Trang

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

Phó TGĐ Đài PT-THHN ủng hộ việc biểu thị tình cảm của công dân yêu nước?


J.B Nguyễn Hữu Vinh Với Đài Phát thanh – Truyền hình Hà Nội (PT-THHN) mình chưa đến đó bao giờ nhưng cũng quan tâm khá nhiều, nhất là từ vụ Tòa Khâm sứ, Thái Hà và Đồng Chiêm. Qua những vụ đó, mình thấy được bản chất của các nhà đài, nhà báo ở HN. Hàng loạt những thông tin bịa đặt, bóp méo, vu cáo… mà đài này đưa lên đã bị người dân lật mặt, có thể chứng minh không mấy khó khăn.


Còn nhớ vụ Thái Hà, các em phóng viên, báo đài làm nhiều trò cười ra nước mắt, chẳng hạn như dàn dựng các giáo dân giả bằng cái bang để phỏng vấn, các nhân chứng đã chết cách… 6 năm, các tên người bịa ra nhưng chưa sinh… đủ cả. Thế rồi nghĩ đến cái lương tâm của họ, cái ngòi bút của họ mà bực mình và suy nghĩ: Biết đến bao giờ họ nói đúng được sự thật như vốn có để xã hội phát triển hơn. 

Thế rồi hồi đó chả là có một em, nhìn cũng xinh xắn, cũng chưa nhiều tuổi nhưng rất hăng máu trong việc dựng chuyện vu cáo ở Thái Hà. Nhìn em đó tác nghiệp bằng những cách dối trá quá thể, mình viết một “Thư gửi một nữ phóng viên truyền hình“. 

Với lá thư này, mình mất mấy buổi làm việc với Công an Điều tra TPHN với câu hỏi: Tại sao cơ quan ngôn luận của Đảng bộ mà anh lại bảo là “bộ máy tuyên truyền của nhà nước hiện nay, mà chị là một bộ phận hăng hái trong đó. Nó như một cây cung, nhưng chị là đầu mũi của cái tên bắn đi và đó là phần ngập sâu nhất vào trái tim người vô tội”? Mình bảo: Tôi chứng kiến như vậy và viết đúng như vậy ở ngay tại Thái Hà. 

Và mình nghĩ chắc chẳng bao giờ có chuyện dính dáng tới cái Đài PT-THHN nữa. 

Từ Tòa án Nhân dân quận Đống Đa 

Thế nhưng sáng nay, đang ngủ thì nhận được điện thoại: Anh có ra Tòa án Quận Đống Đa không? Hôm nay họ trả lời đơn của những người biểu tình yêu nước kiện Đài PT-THHN đấy. 

Ồ, hai nơi này mình vốn không xa lạ nên dậy lấy xe máy đi sang. 

Khi mình đến, mọi người đã ngồi ở quán nước vỉa hè bên đường Gò Đống Đa, một vài người đã vào Tòa án. Một lúc sau họ ra đưa cái tờ công văn trả lời rằng là những người biểu tình yêu nước kia bị vu cáo là phản động không có quyền khiếu kiện Đài PT-THHN. Kể cũng hay, cứ kiểu lý luận và luật pháp này thì chẳng thằng nào có quyền khiếu kiện cả may ra chỉ có Tòa được quyền đó. Theo lý luận của nhà Tòa, thì vì đưa hình ảnh những người yêu nước lên, lại nói là bọn phản động, nhưng không nói cụ thể là ai, thì những người đó không có quyền khiếu kiện. 

Nghĩ đến cái lý luận của Tòa cũng vui, giả sử một ngày nào đó Đài THHN đưa hình ảnh các ông Phạm Văn Đồng, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh.. “những lãnh tụ được nhân dân ta yêu mến” lên cho đẹp màn hình rồi lồng tiếng rằng “bọn này bán nước, hại dân chắc chắn sẽ bị nghiêm trị hoặc người đời nguyền rủa”. Thử hỏi cái nhà Tòa đó có lý luận được chắc như đinh đóng… cây chuối kia không? 

Mình không ngạc nhiên lắm vì sự lấp liếm này của Tòa án Nhân dân vì qua những vụ kiện như đối với Báo HNM, Đài TH… và vụ Tòa này xử công khai 8 nạn nhân Thái Hà thì mình đã có một số kinh nghiệm. Nhưng mọi người thì bức xúc và thế là mọi người bảo nhau kéo đến Đài PT-THHN hỏi cho ra nhẽ xem nhà đài định ăn nói ra sao. 

Trước khi đi, đoàn người vào trước tượng vua Quang Trung để thắp hương và tâu lên với vị vua này rằng: “Ngày xưa, ngài đã từng động viên mọi người dân đứng lên đoàn kết chống bành trướng, xâm lược. Câu nói của ngài còn kia: “Đánh cho sử tri Nam quốc anh hùng chi hữu chủ” để khẳng định khí phách dân tộc và nêu quyết tâm bảo vệ non sông. Thì nay chúng con sẵn sàng chấp nhận kể cả cái chết bất kỳ dưới bàn tay dù là cướp nước hay bán nước, vẫn trung trinh một lòng yêu nước nồng nàn”. 

Nhưng, vào đến Tượng đài Quang Trung mới hiểu rõ hơn sự xuống cấp của tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước đang được thể hiện cụ thể. Tượng Quang Trung trát bằng đá rửa mốc meo, đứng lạnh lẽo nhìn qua sân khoảng sân khá rộng để trông giữ cái Gò Đống Đa mà phía ngoài đã được dùng để trông xe. Phía trên Gò, tảng đá ghi câu nói nổi tiếng của vị vua này được đoàn biểu tình đặt một bó hoa, phía dưới, ngay cổng vào, một đám bạc đang sát phạt. Những người biểu tình hỏi nhau rằng: Ước chi cái tượng đài Bà mẹ anh hùng nào đó ở Quảng Nam với 430 tỉ, chỉ bớt ra cho ông Vua cứu nước này một chút, chắc đỡ quạnh hiu hơn. 






Đến Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội 

Đài PT-THHN cách Gò Đống Đa khá xa, đi hết một dãy phố Thái Hà sang đến phố Huỳnh Thúc Kháng, đoàn người đi bộ khoảng ba chục người với biểu ngữ: “Các nhà báo hãy tôn trọng sự thật”, “Công Lý, Danh Dự, Nhân phẩm”, “Yêu cầu Tòa thụ lý vụ kiện HTV”... Bên hành lang đường đã được chiếm làm bãi giữ xe ô tô và xe máy, không còn lối cho người đi bộ, mọi người men theo hàng vạch liền sát mép đường mà đi. Từng đoàn xe máy, ô tô và nhân dân hai bên đường từ ngơ ngác ban đầu, đến hiểu ra vấn đề thì vui mừng động viên những người mang khẩu hiệu đi biểu tình. Mình đang chụp mấy kiểu hình, chợt một cụ già nắm tay nói: “Anh ơi, cái bọn này nó cậy độc quyền nên nó muốn bịa đặt, gắp lửa bỏ tay người thế nào cũng được, phải làm cho đến nơi đến chốn nhé, tôi già quá rồi chứ không thì tôi cũng đi với mọi người, lát nữa tôi sẽ lại đó”. 




Trên đường, các xe công an xuất hiện, đến trước cửa Đài PT-THHN thì công an các loại ập đến khá nhanh, công an còn mang cả súng, kèm theo cả bộ đội, dân phòng, cảnh sát giao thông gây nhốn nháo trước cửa Đài. Những người biểu tình đứng hai bên cửa, giơ cao các khẩu hiệu và đề nghị gặp Giám đốc Trần Gia Thái. 

Từ trong sân các loại máy quay, máy chụp hình được huy động chĩa vào từng người. Những người biểu tình lập tức tập trung, giơ cao các khẩu hiệu cho các cán bộ quay phim chụp hình thoải mái. 

Một công an chạy lại giật lấy câu khẩu hiệu trên tay một phụ nữ bế con, lập tức đoàn người biểu tình vây lại hỏi lý do cướp giữa ban ngày. 

Xe công an liên tục yêu cầu giải tán nhưng không một ai nhúc nhích khi yêu cầu của họ chưa được đáp ứng. Nhà đài thấy có vẻ không yên đành phải cho người ra mời đại diện đoàn biểu tình vào làm việc. 

Mình được cử cùng với một bác có tuổi và Bùi Thanh Hiếu vào Đài. Các bảo vệ lấy Chứng minh nhân dân, ghi đi ghi lại vào sổ, vào giấy tên từng người, số CMND, chỗ ở cẩn thận. 











Người được cử làm việc là ông Phó TGĐ Kiều Thanh Hùng mời chúng tôi vào, phòng làm việc của ông Phó TGĐ có đủ bể cá cảnh, tượng và hình ảnh với bộ ghế sang trọng. Một chồng báo lớn để ở góc bàn gồm Nhân Dân, Hà Nội mới… còn nguyên nếp gấp như chưa hề được mở ra. Thế mới thấy các cơ quan, chi bộ dùng tiền mua các báo này hàng ngày ngốn biết bao tiền của nhân dân và tác dụng ra sao. 


Ông Kiều Thanh Hùng tiếp chúng tôi khá nhẹ nhàng, nhưng điện thoại ông liên tục reo và chưa nói câu chuyện xong, ông đã bị “nhân viên” thúc liên tục. Ông nói đại ý: Thay mặt lãnh đạo Đài, xin tiếp nhận ý kiến của các bác, nếu có phần phải trả lời như thế nào, sẽ bàn trong ban lãnh đạo. Ông Thái có trách nhiệm trả lời thì đi vắng, hẹn hôm sau sẽ gặp và sẽ có liên hệ. 

Chúng tôi hỏi: “Đề nghị ông cho biết, một Đài PT-TH của Thủ đô, hoạt động theo luật pháp mà vu cáo những người biểu tình yêu nước là phản động, thì với luật pháp, như vậy có đúng không? đúng với nguyên tắc của truyền thông hay không? Với lương tâm người làm báo, quản lý cơ quan truyền thông, ông thấy điều đó như thế nào, đúng hay sai?”. 

Ông Hùng trả lời: “Những câu hỏi đề ra, chúng tôi biết đang xảy ra những việc như thế, chúng tôi đang chờ bên Tòa án, chúng tôi là cơ quan truyền thông, tiếng nói của Đảng bộ, nhân dân Thủ đô, chúng tôi phải làm theo luật. Chúng tôi ủng hộ phong trào yêu nước và việc biểu thị những tình cảm của công dân yêu nước, yêu Tổ Quốc mình thì chúng tôi phải ủng hộ. Còn những cái gì các thông tin chưa được phải, có cái hiểu sai lệch, có góc độ nhìn nhận chưa được thấu đáo, cần kiến nghị thì các bác cứ tiếp tục kiến nghị, chúng tôi sẽ chuyển đến lãnh đạo cao nhất, xin các bác thông cảm. Với chức năng của mình, tôi chỉ trả lời được như vậy”. Đúng lúc đó, lại nhân viên gọi ông ta có việc. 

Ông cho biết, tuần sau Trần Gia Thái sẽ đi công tác về và sẽ hẹn tiếp những người biểu tình sau. 

Như vậy, qua cách trả lời của một Phó TGĐ của Đài PT-THHN, chúng ta cũng thấy hai vấn đề: 

- Nếu ông Kiều Thanh Hùng nói đúng lương tâm mình, rõ ràng là tại Đài THHN đang có sự bất đồng sâu sắc về nhận thức. Một Trần Gia Thái Tổng GĐ với những hành động vu cáo, kết tội người yêu nước ngược hẳn với những lời nói của Phó TGĐ: “ủng hộ phong trào yêu nước và việc biểu thị những tình cảm của công dân yêu nước, yêu Tổ quốc mình”. 

- Nếu ông Kiều Thanh Hùng nói không thật lòng mình, thì đây cũng là một thứ NGỤY – nghĩ một đằng, nói một nẻo – thường thấy xưa nay ở các quan chức. Chỉ có một điều được xác nhận là việc những người biểu tình đã biểu tình trước Đài PT-THHN là việc làm chính đáng. 

Chúng tôi ra về, đoàn biểu tình lại giơ cao khẩu hiệu và về lại Gò Đống Đa. 

Về đến Gò Đống Đa thì trời cũng đã trưa, một số bạn trẻ có sáng kiến “giải đen bằng thịt chó vì vướng vào Trần Gia Thái của Đài PT-THHN, kinh phí theo nguyên tắc Campuchia”. Mọi người nhất trí kéo nhau vào một quán thịt chó trên chợ Thái Hà. 

Vào đến nơi, một thanh niên gọi món rõ to: “Cho một chó Trần Da Đùi, một chó Trần Da Nướng và một chó Trần Da Thái”. Cả đoàn ngạc nhiên chưa hiểu gì, cả quán đông đúc nhìn lại. Nhưng cô bé chạy bàn thì hiểu và chạy nhanh vào bếp. 

Mọi người ngồi vào bàn vẫn chưa hết ngạc nhiên và tỏ vẻ trách chú thanh niên nói năng hơi phản cảm, nhưng anh chàng cười và bảo: “Em gọi thế không đúng sao? Chó trần da, chặt, nướng, thái đều là những món ở đây có cả đấy”. Cả bàn cười chảy nước mắt.

Món chó trần da thái của anh bạn trẻ 

Sau bữa giải đen, mọi người chia tay nhau và hẹn tuần tới sẽ lại trực tiếp Trần Gia Thái để làm rõ vấn đề. 

Video cuộc làm việc của Phó TGĐ Đài PT-THHN với đại diện người biểu tình: 



Hà Nội, ngày 21/10/2011 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét