Vừa qua, một đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam đã sang Bắc Kinh theo lời mời của phía Trung Quốc. Điều khác thường ở đây là đoàn chính trị này của quân đội nhân dân gồm 6 chính ủy quân khu và một số cục trưởng của tổng cục chính trị được dẫn đầu bởi Trung tướng Ngô Xuân Lịch, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Tại sao lúc này hơn một chục tướng lãnh đứng đầu ngành chính trị của toàn quân lại tề tựu đông đủ chưa từng có như thế để sang trình diện và họp mặt với phía Trung Quốc?

Ngành chính trị - gồm các chính uỷ, chủ nhiệm chính trị, cục trưởng chính trị, chính trị viên…- luôn được coi là ngành hệ trọng nhất trong mạng lưới lãnh đạo và chỉ huy của quân đội kiểu cộng sản. Tổng cục Chính trị là cơ quan số 1, trực tiếp của Quân ủy Trung ương Đảng Cộng sản, luôn do Tổng bí thư của đảng kiêm nắm chức Bí thư Quân ủy. Trước đây, trong thời chiến, chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thường là một đại tướng, là ủy viên Bộ Chính trị Trung ương Đảng, về nguyên tắc chỉ ở dưới bộ trưởng quốc phòng kiêm tổng tư lệnh. Có dạo theo quân đội Trung Quốc, nguyên tắc “chính ủy tối hậu quyết định” được áp dụng trong QĐND Việt Nam, khi giữa tư lệnh và chính ủy có ý kiến khác nhau thì ý kiến của chính ủy là ý kiến quyết định cuối cùng, viên tư lệnh phải tuân theo. Ngành chính trị do đó là ngành hệ trọng nhất, được giải thích là linh hồn, là bản mệnh của quân đội, với hình ảnh người cán bộ chính trị:

Ngang lưng thì thắt lập trường
Đầu đội chính sách, tay cầm chủ trương


Vậy thì tại sao phía Trung Quốc lại triệu tập đoàn cán bộ cao nhất, đông đủ nhất trong ngành chính trị của quân đội Việt Nam sang Bắc Kinh, để làm gì?