Trang

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

So sánh Cồn Dầu và bạo loạn ở Anh quốc


Lê Văn Xiếng  - Nếu ông Minh không đem nước Anh ra so sánh, có lẽ tôi cũng không bỏ thời gian ra lục lọi thông tin để tìm hiểu bạo loạn ở Anh và Cồn Dầu khác nhau thế nào, và những điều ông gọi "bình thường" thực sự đã diễn tiến ra sao. Thời đại hôm nay, mọi thông tin đều được lưu giữ trên internet, không ai có thể xóa đi hay sửa đổi hòng che dấu tội ác. Sự so sánh của ông đã vô tình thúc dục người dân như tôi tìm hiểu sự thật hoàn toàn trái ngược với lời tuyên bố tôn trọng nhân quyền của chính ông trong buổi phỏng vấn...

*

Trong chuyến viếng thăm New York ngày 27/9/2011, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh trả lời phỏng vấn của một ký giả hỏi về vụ đàn áp giáo dân Cồn Dầu, ông Minh nói:
    "Nhưng hãy nhìn vào Anh Quốc, Nếu anh có mối quan tâm về an ninh, anh phải chọn và áp dụng một phương pháp nào đó. Như vậy, đó là điều bình thường. Chúng tôi tôn trọng nhân quyền trong tất cả mọi lãnh vực vì chúng tôi là thành viên của công ước quốc tế về nhân quyền."
Mark Duggan, một tài xế taxi tình nghi buôn ma túy. Cái chết gây tranh cãi vì người ta không chắc Duggan có bắn cảnh sát trước hay không. Vụ việc dẫn đến cuộc biểu tình khoảng 200 người vào sáng ngày 6/8/2011 từ Broadwater Farm đến trạm cảnh sát Tottenham, một vùng phía bắc thành phố Luân Đôn, đòi hỏi công lý cho người tài xế. 

Tottenham là khu nhiều dân nhập cư, nghèo, tỷ lệ thất nghiệp cao và rất nhiều thành tích về băng đảng ma túy. Người biểu tình yêu sách cảnh sát trưởng phải ra giải thích tại sao Duggan bị bắn. Cảnh sát trưởng không có mặt nên một sĩ quan khác ra thay thế. Đám đông không hài lòng nên ngồi lì trước đồn cảnh sát cho đến nửa đêm. 

Bạo loạn và "hôi của" tại Tottenham

Khi một nhóm thanh niên khác mang vũ khí đến gia nhập, cuộc biểu tình ôn hòa bắt đầu trở thành bạo động. Bạo lực bùng nổ lan ra nhiều nơi trong 3 ngày đêm làm chết 5 người, bị thương nhiều người khác. Hơn 100 cửa hàng và cao ốc bị thiêu rụi, hàng ngàn vụ hôi của xảy ra làm hỗn loạn cả nước Anh trong suốt 3 thời gian từ 6/8 cho đến 9/8/2011 gây thiệt hại ước tính lên đến hơn 200 triệu bảng. 
Điều chú ý ở đây là cảnh sát Anh đã không đụng gì đến người biểu tình ôn hòa sáng ngày 6/8 từ khu vực Broadwater đến trạm cảnh sát Tottenham. Khi đám đông yêu cầu cảnh sát giải thích, cảnh sát đã cử viên sĩ quan cao cấp nhất có mặt ra nói chuyện với người biểu tình. Đám đông không thỏa mãn nên không giải tán, cảnh sát vẫn không làm gì với người biểu tình vì đó là cuộc tuần hành ôn hòa, hợp lệ. Họ chỉ tiến hành bạo lực cưỡng chế để ngăn chặn hôi của, đốt nhà và bắt giữ những người gây bạo động. 


Cần nói thêm trong 5 người chết có 3 người bị xe hơi đụng bỏ chạy, 1 người hôi của bị đạn và 1 người đàn ông 68 tuổi bị đánh chết trong lúc cố tìm cách dập tắt lửa. Không có người nào bị cảnh sát bắn chết hay đánh chết. Cảnh sát Anh được trang bị súng cao su, nhưng họ chưa bắn viên đạn nào trong suốt những ngày hỗn loạn. 

Điều nầy hẳn khác Việt Nam nơi mà ông Phạm Bình Minh muốn đem ra so sánh. Cồn Dầu có lịch sử hơn 130 năm, nơi những người giáo dân bị bắt bỏ đạo tìm đến sinh sống. Những người tiên phong đến đây sống bằng nghề trét dầu chai cho ghe thuyền qua lại, dần dần họ định cư, khai hoang đồng ruộng, thành lập xóm đạo. Cái tên Cồn Dầu có lẽ đã bắt nguồn từ nghề truyền thống dính dáng đến dầu chai cả trăm năm trước. 

Công an Việt Nam đàn áp giáo dân Cồn Dầu đi chôn cất người chết.

Gắn liền với ngôi giáo đường là khu nghĩa trang chôn cất những người đã sống và chết với mảnh đất nghèo khó. Năm 2008 thành phố Đà Nẵng bán khu đất cho một công ty khai thác du lịch, đền bù với giá rẻ mạt nên giáo dân không chịu dời đi nơi khác. Vấn đề ở đây là quyết định giải tỏa một xóm đạo với nhiều di tích như thế tự nó đã là một quyết định rất sai trái nhưng UBND Đà Nẵng vì tham tiền, tham thành tích đã bất chấp mọi hậu quả. Họ tin tưởng ở sức mạnh bạo lực và trên thực tế, bạo lực đã áp dụng một cách dã man đối với những người dân chưa hề đốt nhà, đốt xe hay hôi của. 

Nạn nhân vô tội dưới sự trấn áp của công an

Ở Anh, cảnh sát dùng sức mạnh kềm chế đối tượng, còng tay đưa vào tù. Bạo lực trấn áp chỉ xảy ra ngay tại đó và chấm dứt kể từ khi nghi can bị vô hiệu hóa. Nghi can được quyền tiếp xúc luật sư, được đối xử đúng mức cho đến lúc ra tòa để biết có tội hay không có tội. 

Ở Cồn Dầu bạo lực không chỉ xảy ra ngay lúc công an bắt người mà còn xảy ra liên tục khi đã về đồn công an tạm giam để điều tra xử lý. Nạn nhân bị đánh đập dã man để cung khai nhận tội. Chưa nhận thì đánh cho nhận, nhận rồi thì đánh cho chừa. Nhưng không phải ai cũng may mắn sống sót để tường thuật lại câu chuyện hay để chừa lần sau không làm nữa. Ông Nguyễn Thành Năm, một người tham gia lễ tang, bị gọi lên đồn công an quận Cẩm Lệ 4 lần, lần nào cũng bị đánh, đã chết ngày 3/7 2010. Chị Anh, vợ nạn nhân kể:
    "“Tại đám tang bà Nhu, anh Năm đã bị đánh vào đầu hai cây. Anh có nói và tôi nói anh đi bệnh viện nhưng anh nói tiền đâu mà đi. Sau đó công an có gọi lên bốn lần. Về anh có nói với tôi ‘lên đó không có họ đánh cho có; có họ đánh cho chừa’. Đến khi gọi lần thứ năm, anh hoảng sợ không lên quận và bỏ chạy. Tôi đi tìm từ chín giờ đến 11 giờ đêm, thấy anh tại một nhà cách đây chừng hơn 100 mét. Khi đó người ta còng tay anh đổ máu; người còng đó là ông Đề, dân phòng. Tôi có khóc xin, thả ra nhưng ông ta nói phải chờ công an tới mới thả vì có người báo anh Năm ăn trộm. Khi công an đến họ mới thả ra. Về đến nhà, khi tắm cho anh Năm thấy người đầy bùn, máu lỗ tai đổ ra. Lúc đó có người em gái của anh Năm nữa, anh cho biết xuống đó họ đánh cây qua đầu mà chưa lủng qua. Tôi nghĩ anh hoảng sợ nói vậy thôi. Tôi cũng nói anh đi bệnh viện nhưng anh nói tiền bạc đâu mà đi bệnh viện. Sáng ra anh trối ‘bà ở lại để nuôi mấy đứa con, cuộc đời của anh có lẽ vậy thôi’. Đến 1 giờ trưa anh Năm chết, máu miệng đổ ra."
Anh Toma Nguyễn Thành Năm - người bị công an đánh chết

Bạo lực trấn áp của chính quyền Việt Nam cũng khác nước Anh ở chỗ nó trấn áp luôn cả luật sư đứng ra đại diện cho nạn nhân. Luật sư Cù Huy Hà Vũ nhận lời bào chữa cho 6 giáo dân, không những không được cấp giấy phép mà còn bị trừng phạt nặng nề sau đó một thời gian ngắn. Bản án 7 năm của anh hẳn có phân nửa phải trả giá cho cái "tội" dám bào chữa cho người dân Cồn Dầu. 

Phương pháp chọn lựa của Việt Nam không chỉ bạo lực công an 113 với khiêng che, dùi cui lựu đạn mà còn cả mật vụ, an ninh côn đồ du đảng liên tiếp khủng bố tinh thần người dân xóm đạo. Dân sợ đến độ không dám kể chuyện trấn áp, ai gọi cũng vội vàng cúp máy. Sự chọn lựa biện pháp an ninh của đất nước chúng ta thật khủng khiếp và kinh hãi. 

Phương pháp của công an đối với những người dân Công giáo hiền hòa

Nước Anh đã không chọn kiểu "bạo lực CHXHCN" mà ông Minh đại diện. Họ phải trả giá hàng trăm căn nhà bị đốt, vật chất thiệt hại hàng trăm triệu và để bọn côn đồ làm chết đến mấy người dân. Chúng tôi được dạy ở trường rằng thực dân Anh vô cùng tàn ác, nước Anh là nước tư bản được lãnh đạo bởi bọn tài phiệt bóc lột, nhưng họ đối xử với dân bạo loạn tử tế quá. Họ chấp nhận để 186 cảnh sát bị thương chứ không đánh chết bất kỳ một nghi phạm nào trong những tình huống rõ ràng rất hỗn loạn. Đất nước chúng ta do nhân dân lãnh đạo, sao công an chính quyền lại tàn ác với dân mình như thế? Xô xát như vậy mà chẳng có công an nào bị thương, chỉ có dân lành bị đánh chết, hàng chục dân thường phải bỏ chạy sang Thái Lan tỵ nạn ngay trong thời kỳ đất nước mở cửa. 

Nếu ông Minh không đem nước Anh ra so sánh, có lẽ tôi cũng không bỏ thời gian ra lục lọi thông tin để tìm hiểu bạo loạn ở Anh và Cồn Dầu khác nhau thế nào, và những điều ông gọi "bình thường" thực sự đã diễn tiến ra sao. Thời đại hôm nay, mọi thông tin đều được lưu giữ trên internet, không ai có thể xóa đi hay sửa đổi hòng che dấu tội ác. Sự so sánh của ông đã vô tình thúc dục người dân như tôi tìm hiểu sự thật hoàn toàn trái ngược với lời tuyên bố tôn trọng nhân quyền của chính ông trong buổi phỏng vấn. 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét