Trang

Thứ Bảy, 17 tháng 12, 2011

Việt Nam 2011

Trương Duy Nhất

Tình hình kinh tế & vai trò chính phủ

          2011 là năm Việt Nam “đạt” chỉ số lạm phát cao nhất châu Á, nhì thế giới, chỉ sau Venezuela (lời ông Phạm Quang Nghị, Bí thư thành ủy Hà Nội). Còn theo đánh giá của ngân hàng Thế giới WB: lạm phát Việt Nam đang ở mức cao nhất khu vực Thái Bình Dương.
          Chính phủ hoàn toàn bất lực. Chỉ tiêu đặt ra ban đầu được quốc hội khoanh cho chính phủ là 7%. Tuy nhiên chỉ đến tháng 5 chính phủ đã lập tức xin điều chỉnh chỉ số CPI lên mức 15%. Hết tháng 6, lại tiếp tục xin nới chỉ tiêu lạm phát cả năm lên không quá 17%.
          Nhưng ngay cả mức 17% chính phủ cũng bất lực không níu giữ nổi.
          Đó cũng chỉ là cách tính của Việt Nam, theo kiểu Việt Nam. Nếu tính theo chuẩn thế giới thì chỉ số lạm phát của Việt Nam có lúc đã vượt ngưỡng 23,02% .
          Cho dù lạm phát đã có chiều hướng giảm trong vài tháng cuối năm, nhưng vẫn ở nhóm 4 nước cao nhất thế giới. Tình hình kinh tế vẫn khá bi đát. Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nhìn nhận: nền kinh tế đang lâm cơn bấn loạn, khó khăn nhất trong vòng 20 năm qua, kể từ 1991, năm đồng minh thân cận Liên Xô sụp đổ.

          Cũng theo ông Doanh, mục tiêu tăng trưởng quốc hội “khoán” cho chính phủ là 7,5%, nhưng cũng chỉ thực hiện được 5,8%. Tiêu dùng của người dân giảm xuống mức rất thấp, hàng hóa tồn kho cao chưa từng thấy. Năm 2011 cũng là năm đầu tiên trong lịch sử có số doanh nghiệp phá sản kỷ lục: trên 4, 8 vạn doanh nghiệp.
          Hệ thống kinh tế chủ đạo là các tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì… hãy nhìn “quả đấm thép” Vinashin!
          5 tháng trước, tôi đã viết: Ai dám tin rằng đời sống dân tình lại khó khăn hơn, mức thu nhập thực tế (sau khi trừ đi yếu tố tăng giá) hiện tại lại thấp hơn đến 10,7% so với những năm 2002-2004. Khi đó, nếu có ai dám bảo rằng gần 10 năm sau đời sống dân tình sẽ trượt đến mức này, thu nhập lại thấp hơn 10 năm trước thì người đó không bị qui là “phản động” cũng là… điên!
          Không thấy một ai trong chính phủ, kể cả Thủ tướng dám công khai thừa nhận là chính phủ đã thất bại trong mục tiêu kiềm chế lạm phát. Quốc hội cũng chẳng làm gì được ngoài việc nhắc đi nhai lại những lời “đề nghị” suông, đề nghị không xong rốt cuộc cũng đành phải chạy theo chỉnh sửa, cơi nới chỉ tiêu theo yêu cầu từ chính phủ. Không biết trên thế giới, còn có chính phủ nào như Việt Nam mà cứ không thực hiện được mục tiêu giao lại chạy xin quốc hội chỉnh sửa năm lần bảy lượt như thế?
          Nhìn vào chất lượng cuộc sống người dân và sự bi đát của nền kinh tế đủ định đoán được chất lượng và tài năng chính phủ đạt mức nào. Sẽ không quá khi cho rằng chính phủ đã hoàn toàn bất lực trong mục tiêu kiềm chế lạm phát, kéo giữ sự tuột phanh của nền kinh tế 2011.
          Thế nhưng, không thể tin nổi, vị Thủ tướng của một chính phủ bất lực ấy lại được ngợi ca là “Thủ tướng xuất sắc nhất châu Á”, là “một trong những nhà lãnh đạo kiệt xuất nhất Châu Á”.
          Năm 2011 cũng là năm đầu tiên của chính phủ nhiệm kỳ mới. Sau nhiều chao đảo tưởng chừng ngã gục, ông Dũng tại vị thêm một nhiệm kỳ Thủ tướng. Ngoài những Bộ trưởng “không ấn tượng” như ông Phạm Vũ Luận, đã xuất hiện một số nhân vật trẻ, lạ. Nhưng có lẽ những sự “trẻ lạ” đó chưa đủ để xoay chuyển điều gì. Vương Đình Huệ, Đinh La Thăng… với vài câu chém gió lập tức được bốc thơm là “hiện tượng” và thổi dựng thành “một thế hệ Bộ trưởng mới”.
          Chất lượng chính phủ hình như dần yếu đi so với các nhiệm kỳ trước. Tôi tin là nhiều người nhìn thấy điều này.

Sự bất lực của Tổng Bí thư

          Trước một giai đoạn đáng ra cần tìm một nhân vật cứng rắn, quyết liệt, đòi hỏi ở sự xuất hiện của một người đứng đầu đủ tầm khuynh loát, đủ bản lĩnh bẻ lái các tình thế bức bách, thì đại hội đảng XI lại chọn một nhân vật nhu mì như… ông giáo làng lên làm Tổng Bí thư.
          Ông Nguyễn Phú Trọng ngồi ghế Tổng Bí thư với phương châm “không ấn tượng”. Ban đầu, dư luận đánh giá đó là cách “khiêm nhường” của một con người nhân văn (ông Trọng học Tổng hợp văn). Nhưng dần dà, qua một năm tôi có cảm giác như không phải thế. Không hẳn là sự khiêm nhường, mà có lẽ do ông nhìn ra và biết được sự… bất lực của mình!
          Cố gắng rõ nhất, ấn tượng nhất của ông trong năm đầu trên cương vị Tổng Bí thư không phải ở sự bẻ lái cho những chủ trương quyết sách lớn, mà lại là chuyện: không treo băng rôn “nhiệt liệt chào mừng”.
          Ừ thì dù sao cũng có một sự… đổi thay! Đến nay, ông là người đầu tiên và duy nhất không cho các địa phương, đơn vị căng băng rôn “nhiệt liệt chào mừng” mình. Trong khi tất tật từ Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng, đến các Bộ trưởng, Thứ trưởng đi đến đâu cũng vẫn băng rôn “nhiệt liệt” đỏ chói.
          Điểm “ấn tượng” duy nhất của vị Tổng Bí thư “không ấn tượng” lại vô tình phơi lộ sự bất lực trong vai trò người đứng đầu của ông. Đúng ra đây phải là qui chế, thậm chí mệnh lệnh. Mà không cần qui chế, mệnh lệnh, nếu thấy ông làm vậy thì các vị khác từ Chủ tịch nước, Chủ tịch quốc hội, Thủ tướng, Phó Thủ tướng và các thành viên chính phủ phải răm rắp thực hiện theo. Nhưng không ai làm theo, chứng tỏ họ xem ông… không ra gì! Uy lực Tổng Bí thư có vẻ bị xem nhẹ nhìn từ chuyện “nhiệt liệt” này. Hay nói cách khác: cán cân uy lực trên chính trường đã không nghiêng về phía… Tổng Bí thư!
          Với đà này, việc ông dễ mất ghế Tổng Bí thư giữa nhiệm kỳ là điều rất có thể, nếu khi đó quốc hội sửa xong Hiến pháp, hợp nhất chức vị Tổng Bí thư đảng với Chủ tịch nước. Cái ghế hợp nhất này nhiều khả năng sẽ rơi vào một trong hai ông Nguyễn Tấn Dũng hoặc Trương Tấn Sang, chứ không bao giờ đến tay ông Trọng (cũng cần nói thêm rằng, việc chỉnh sửa hiến pháp lần này theo tôi, có lẽ cũng chỉ nhằm cho mục tiêu hợp nhất 2 chức vị kia. Mọi kỳ vọng vào các nội dung khác như nhiều người đang mơ ước sẽ chỉ là viển vông).
         

Quốc hội lắm đại gia và… tuồng hề!

          Nói về quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Trần Bạt đã thẳng thừng: “Tôi kỳ vọng nhưng không yên tâm”. Một điểm được xem là mới, rất mới của quốc hội khóa này, nhưng ông Bạt lại tỏ ra thiếu tin tưởng: “… tôi thấy có sự xuất hiện của những yếu tố rất khó yên tâm. Nhiều thương nhân hơn chẳng hạn. Thương nhân có thể có vai trò cực kỳ quan trọng trong đời sống kinh tế, nhưng tham gia vào bộ máy chính trị thì họ không phải là những người làm chính trị chuyên nghiệp”.
          Ngay từ lúc vừa công bố danh sách trúng cử quốc hội, tôi đã viết: 40 thương nhân máu mặt, một kỳ quốc hội lắm đại gia. Nhưng liệu đội ngũ nhà giàu này có đem lại điều gì mới mẻ cho quốc hội, hay chỉ tổ ngồi chật chỗ ? Nhìn vào danh sách các đại biểu đại gia kỳ này thì đây lại là nguy cơ chật thật. Rất nhiều vị lắm tiền nhưng cái đầu cực ngắn.
          Sự xuất hiện quá nhiều doanh gia trong quốc hội, với nhiều người có thể xem là một báo hiệu tốt, nhưng tôi nhìn đó là một mối lo. Với sự ít học, thiếu hiểu biết và chí thú làm tiền, nguồn vốn “quan hệ” cùng chiếc bánh lợi ích quốc gia sẽ được chia sẻ, bấu xé ra sao? Nhìn những khuôn mặt đại gia luôn được VTV zoom cận cảnh và lôi ra phỏng vấn qua các kỳ họp vừa rồi, tôi thấy lo thật sự. Liệu có lúc nào quốc hội biến thành “sân chơi” cho nhóm thương nhân máu mặt này?
          Xem “nụ cười” của bà Đặng Thị Hoàng Yến, đọc “kế sách liên hoành” giúp Saddam Hussein “đánh” Mỹ của ông Hoàng Hữu Phước đủ biết chất lượng và tầm tri thức của đại biểu quốc hội ở mức nào.
          Không hiểu cách thức bầu cử ra sao mà những nhân vật như thế lại lọt vào quốc hội. Thậm chí có đại biểu như ông Nguyễn Minh Hồng, người đề xuất dự luật nhà thơ (nhà văn) lại thản nhiên giải thích rằng: ông chỉ thực hiện lời hứa với các nhà văn, còn cụ thể vì sao phải cần có cái luật nhà thơ (nhà văn) này thì thú thật ông cũng… chưa nghĩ ra!
          Lịch sử quốc hội, có lẽ chưa kỳ nào lắm “tuồng hề” như quốc hội khóa này.
          “… Có thể nói kỳ họp nào chính phủ cũng báo cáo một bản báo cáo hết sức hoàng tráng và có sức thuyết phục… Tình hình biển Đông diễn biến phức tạp. Làm sao để nhiệm kỳ này cố gắng lấy lại quần đảo Hoàng Sa…”- Đọc những câu này cứ tưởng của một “thằng” ất ơ nào, nhưng đó lại chính là bài “tham luận” đọc giữa quốc hội của đại biểu Nguyễn Bá Thuyền. Không thể tin được khi ông Thuyền còn không phân biệt được cả vị trí địa lý giữa Đà Nẵng và Đà Lạt khi viết “đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường Đông Trường Sơn từ Đà Lạt lên Đà Nẵng”.
          Không biết có quá lời, nhưng tôi đã nghe nhiều bạn đọc (cử tri) mỉa mai rằng: phải buộc một số đại biểu quốc hội kỳ này đi giám định lại… tâm thần!
          ***
          Vai trò và chất lượng chính phủ như thế, Tổng Bí thư như thế, quốc hội như thế, nên tình hình kinh tế như thế cũng là điều tất nhiên! Nhìn lại nền kinh kế và… tình thế 2011 chẳng khác gì thất bại thảm hại của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại SEA Games vừa qua: Yếu toàn diện từ hàng công đến hàng thủ, xộc xệch từ đội ngũ cầu thủ đến huấn luyện viên và cả bộ máy Liên đoàn.
          Với nền này, liệu năm 2012 tới có thể có được sự chuyển xoay nào sáng hơn?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét