Trang

Thứ Ba, 3 tháng 1, 2012

CHXHCN Việt Nam: Một Xã-Hội Không Có Dân!

CHXHCN Việt Nam: Một Xã-Hội Không Có Dân!

Trần Duy Huỳnh (Danlambao) - Dĩ nhiên câu trên phải hiểu là xã-hội XHCN Việt Nam chứ không phải đất nước Việt Nam với gần 90 triệu dân.

Nói về Nhân Dân, có lẽ VN là một trong vài nước có nhiều “Nhân Dân” nhất thế giới. Khi phát động chiến tranh thì gọi là “chiến tranh nhân dân”, khi cướp được chính quyền thì gọi là “chính quyền nhân dân”. Và để tăng thêm sức thuyết phục, còn có đại biểu nhân dân, ủy ban nhân dân, quân đội nhân dân, công an nhân dân, nghệ sĩ nhân dân v.v. và v.v (riêng ngân hàng thì của nhà nước, dĩ nhiên rồi).



Ngoài ra khi xây dựng “nhà nước pháp quyền XHCN”, Đảng CS còn nhấn mạnh “lấy dân làm gốc” cho khỏi nhầm lẫn với các loại chính quyền “phản động” khác nữa.

“Nhân Dân” nhiều đến mức gây hoang mang cho cán bộ các cấp, không ai còn hiểu rõ Nhân Dân là gì. Nguy cơ xãy ra “diển biến hoà bình” cao khiến cho Đại tá TS Nguyễn Văn Quang của báo Quân Đội Nhân Dân phải lên tiếng chấn chỉnh sự hiểu biết (của lãnh đạo - dĩ nhiên rồi) qua bài viết “Đừng nhầm lẫn từ “nhân dân” trong hiến pháp”.


Tóm lại, “Nhân Dân” là một mỹ từ mà bất cứ cái gì có thể gắn thêm chử “nhân dân” nếu xem ra có lợi, thì Đảng và nhà nước CSVN không ngại ngùng gì mà không gắn thêm vào.

Tuy nhiên trong thực tế, Nhân Dân hay Dân là thứ bị coi rẽ nhất trong mọi thứ hiện diện tại nước CHXHCN Việt Nam này.

Trước hết, hãy nói về trí thức, Tư bản coi người dân nói chung, mà trí thức là một thành phần trong đó, nói riêng, là tài sản quý giá, là rường cột của quốc gia, riêng xã hội XHCN VN thì khác.

Mới đây khi trả lời BBC về hiệu quả của bức thư ngỏ gởi Chủ tịch nước của ông và một số trí thức khác, Giáo sư Nguyễn Huệ Chi “chỉ có chút hy vọng” mong manh rằng lãnh đạo CS Việt Nam nên hiểu “85 triệu dân ở trong nước không phải là những con bò, mà là những con người. Họ biết sống, họ biết suy nghĩ và họ biết quyền của họ. Chứ còn hiện nay, chúng tôi bị đối xử hơn những con bò”, (Việt kiều được Đảng coi là “bò sửa” thì “bò” này không hiểu Đảng coi là “bò” gì?), riêng ông Hà Văn Thịnh, một trí thức khác, thì “gào” lên hỏi “Không phải là bò, nhưng “có còn là người nữa không?”.

Nếu không được coi là “người” thì càng không thể được Đảng và Nhà Nước CS Việt Nam coi là “dân” được. Đó là trí thức còn dân thì sao, rẻ vô cùng.

Gõ Google tìm “công an”, “khiếu kiện”, “dân oan”, “đàn áp”, “biểu tình”, thì từ cấp xã đến cấp thành phố đều có, nào là công an đánh dân, dân bị chính quyền cưỡng bách, rồi giúp dân khiếu kiện bị chính quyền đàn áp, v.v. và v. v.

Không rẻ sao được, khi muốn bắt là bắt, không có tội thì “cho” tội. “Tội” nào cũng có thể trích “luật” đàng hoàng, đủ hết, nhưng khi được hỏi luật nào,?, thì cán bộ nói, cứ đi mà “khiếu kiện”. Chịu thua!

Riêng nông dân Việt Nam còn rẽ hơn nữa, họ là “nhân dân” mạt hạng, dù họ chiếm tới hơn 75% “nhân dân” ở Việt Nam, cả cuộc đời họ thấp thõm hai nỗi sợ hãi.

Nỗi sợ hãi thứ nhất là không biết ngày nào, miếng đất đang nuôi sống mình và gia đình mình, miếng đất đổ mồ hôi, sôi nước mắt, miếng đất mà mình sẵn sàng bán lưng cho trời bán mặt cho đất để kiếm miếng ăn, miếng đất mà mình đi đâu, ở đâu, cũng thương nó, nhớ nó da diết. Không phải vì nó có mõ vàng, mõ bạc gì ở dưới mà vì nó có mồ mã tổ tiên, ông bà, nó có tiếng gà ban sáng, tiếng chim ban chiều, tiếng ếch nhái ban đêm. Miếng đất nó có tình, có hồn, nó buồn thì mình buồn, nó vui thì mình vui. Nó quý hơn mọi thứ trên đời.

Vậy mà, chỉ một chầu nhậu, một cái bắt tay, một chử ký của ai với ai đó, nó ra đi vĩnh viễn. Mất hết.

Nỗi sợ hãi thứ hai mà “nhân dân” nông dân phải gánh chính là Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam (VFA). Nó là loại địa chủ mới, không bỏ sức, không cần đất, nó là con đỉa hút máu nông dân, làm cho nông dân tiếp tục nghèo từ đời này sang đời khác.

VFA là con đẻ do Nhà nước lập ra để “giúp” nông dân, Nhà nước cho phép nó được độc quyền thu mua. Nó lại lấy cớ kinh tế thị trường nên không cần biết đến nỗi sớm khuya, mặc kệ mưa lũ, mất mùa, bất chấp đói no của người nông dân. Nó chắc bóp từ ký thóc ký gạo để đủ chỉ tiêu xuất khẩu do Nhà nước đề ra. Nó định giá thu mua mà nông dân không có được sự lựa chọn nào khác, nó bóp chẹt để kiếm lời riêng cho nó. Nó chiếm từng đồng, cướp từng miếng thịt của trẻ em nông thôn nhưng sẵn sàng chi tiêu bạc triệu cho những bửa nhậu thừa thãi giữa chúng với nhau.

Bọn cường hào mới và VFA, địa chủ mới, do Đảng và Nhà Nước CS Việt Nam tạo ra còn ác hơn bọn địa chủ thực dân củ mà Đảng Cộng Sản Việt Nam hô hào nhân dân đánh đổ.

Con kiến bò quanh miệng chén thì cũng có lúc nó thoát ra được, dân Việt Nam lẽ nào chịu chết?.

Vì là “một xã hội không có dân” nên mọi góp ý từ các vấn đề cải cách chính trị, kinh tế, xã hội, từ những năm 2006 đến nay của các trí thức (dân) trong và ngoài nước đều bị gạt bỏ. Không những thế mà những hành động phản đối thái độ hung hăng của Trung Quốc, các yêu cầu chính đáng về quyền làm người của dân đều bị coi là nhằm “phá rối trật tự công cộng” hay “lợi dụng dân chủ” để “chống phá chính quyền”.

Đến bây giờ khi Đảng và Nhà nước VN xem các tập đoàn kinh tế nhà nước, quả đấm thép, con đẽ của mình, là những “kẽ thù” còn nguy hiểm hơn kẻ thù giai cấp thì mọi thứ đã quá muộn.

Tuy nhiên gẫm lại, lời “bực bội” của ông giáo Nguyễn Huệ Chi hay tiếng “gào” của ông giáo Hà Văn Thịnh cũng chưa bi thãm bằng tiếng chim báo bão thống thiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khi ông nỉ non, khẫn thiết kêu gọi các đồng chí “nhân dân” của ông tạm dừng các hành động của họ đã làm từ trước tới nay lại, vì “nó liên quan đến sinh mệnh của Đảng và sự tồn vong của chế độ”.

Tội nghiệp ông Tổng Bí Thư, không biết các đồng chí của ông có ai hưởng ứng không, chỉ mới thấy có PGS TS Lê Văn Cương của báo Quân Đội Nhân Dân vỗ tay hô khẩu hiệu “Báo hiệu Đảng đã chuyển mình”. Chưa biết “chuyển mình” rồi có “chuyển sang từ trần” luôn cho dân được làm dân không?

Ban Tuyên giáo Trung ương có nên tổ chức thêm mấy khóa học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh nữa chăng? Nếu có, xin đề nghị lần này nên làm ngược lại, để dân dạy cho cán bộ đảng viên thay vì như từ trước đến nay xem sao.

Nhưng phải công bằng mà nói xã hội XHCN Việt Nam cũng có dân, có trí thức đấy chứ. Những “trí thức” này của Đảng, được Đảng tạo cơ hội cho ăn nói đàng hoàng. Họ phát biểu hùng hồn trước Quốc hội, lời của họ được hết truyền hình, truyền thanh tới báo chí lập đi lập lại. Họ không bao giờ cần tới blog bliec, hay báo chí nước ngoài.

Tuy nhiên do đầu họ được “đúc” đặc khái niệm “vì Đảng vì mình” nên không còn chổ cho những khái niệm khác như công nhân, nông dân, dân tộc hay tổ quốc. Không tin cứ xem lại các phiên chất vấn tại Quốc hội gần đây để nghe họ phát biểu. Có người nói rằng những trí thức đó ngậm miệng hay mở miệng cũng chỉ để ăn tiền, chấm hết. Phản biện trong chuyên môn của họ, họ còn không dám huống gì phản biện xã hội.

Người viết từng nghe chính miệng một tiến sĩ tiếng tăm ở Viện Khoa học và Công nghệ nói rằng:”những gì mình bất mãn thì người khác cũng bất mãn, hãy để họ lên tiếng, tội gì mình”. Thật uỗng công cha mẹ sinh ra, uỗng cả công làm người.

Phiên toà cuối năm xét xử Mục sư Nguyễn Trung Tôn và Hồ Thị Bích Khương vừa kết thúc, nhớ đến bức thư gởi Chủ tịch nước của GS Nguyễn Huệ Chi về việc chị Minh Hằng bị bắt giam vô cớ, lại nghe anh JB Hoàng Phong thuộc Giáo phận Vinh bị bắt mà không biết vì sao.

Thì ra, trong lúc nền kinh tế đang khũng hoảng trầm trọng, đời sống của người dân xuống thấp nhất trong 20 năm qua, Nhà nước Việt Nam tuy thiếu nhân lực cho ổn định kinh tế và xã hội nhưng lại thừa nhân lực để làm những chuyện như vậy. Thời mạt vận của Đảng CS đã đến, Thiên cơ đã ứng rồi sao? Có gì đứng ngoài dân tộc mà trường tồn mãi đâu.

03/01/2012


Trần Duy Huỳnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét