Trang

Thứ Tư, 16 tháng 5, 2012

Nhiều bài về vụ Văn Giang trên báo Việt Nam bị lấy xuống

Dân Văn Giang kiện chủ tịch huyện
SÀI GÒN (NV) - Một loạt các bài viết liên quan tới vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang bị lấy xuống khỏi các trang mạng báo chí trong nước. Ðiều này cho thấy đang có các sức ép lên các tờ báo chính thống, dù họ chỉ mới được tương đối thoải mái loan tin kể từ khi hai nhà báo bị đánh chính thức lên tiếng.
Bài mới nhất bị gỡ xuống là của báo Tuổi Trẻ Online, một trong những tờ báo có đông độc giả nhất tại Việt Nam, hôm 14 tháng 5.
Bài báo có tựa đề “Người dân Văn Giang kiện chủ tịch huyện” xuất hiện được ít giờ thì bị lấy xuống.
Bài viết cho biết, một số người dân xã Xuân Quan bị cưỡng chế đất đai đã gởi đơn kiện chủ tịch huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên.
Xuân Quan là một trong ba xã của huyện Văn Giang, nơi xảy ra vụ đàn áp và cưỡng chế đất đai vào hôm 24 tháng 4 làm rúng động dư luận cả trong lẫn ngoài nước.
Báo Tuổi Trẻ trích dẫn đơn kiện ông Ðàm Văn Ðồng, Ðàm Như Hải, bà Nguyễn Thị Thậm, nói rằng, “Xã Xuân Quan cố ý làm sai, giấu diện tích đất và để tỉ lệ đất công ích trái quy định. Trong đó một phần diện tích đất xây dựng dự án khu đô thị Ecopark là đất công ích của xã Xuân Quan.”
“Theo đơn khởi kiện, UBND xã Xuân Quan cố ý làm sai, giấu diện tích đất và để tỉ lệ đất công ích trái quy định. Trong đó một phần diện tích đất xây dựng dự án Ecopark là đất công ích của xã Xuân Quan. Người dân cho biết 158 mẫu 8 sào 9 miếng đất (tương đương hơn 57ha, hiện đã thu hồi 20ha để làm đất dịch vụ) nằm toàn bộ ngoài đê do xã quản lý chứ không được chia cho các hộ dân. Ông Lê Thạch Bàn, xã Xuân Quan, cho biết: “Diện tích đất ấy chúng tôi phải thuê lại của xã để trồng hoa màu, nuôi cá và chăn nuôi.”
Viện dẫn bằng chứng về số đất bị giấu này, ông Lê Thạch Bàn chìa ra báo cáo kết quả làm việc của thanh tra tỉnh Hải Hưng (bao gồm Hưng Yên và Hải Dương ngày nay) ban hành ngày 4 tháng 9, 1995 sau khi thanh tra đất đai theo kiến nghị của các hộ dân xã Xuân Quan. Theo đó, trong phần kiến nghị nêu rõ: yêu cầu UBND xã thu hồi 158 mẫu 8 sào 9 miếng gồm đất do HTX nông nghiệp quản lý, đất ao hồ đầm, đất sản xuất gạch và đất chuyển sang ao cá chưa được phép của UBND huyện.
“Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay, cả địa phương và huyện đều không thu hồi diện tích đất này mà vẫn tiếp tục cho bà con nông dân thuê và đấu thầu để trồng cấy.”
Ngoài báo Tuổi Trẻ, ít nhất có 4 bài viết trên trang mạng của Ðài Tiếng Nói Việt Nam (VOV) nhằm bảo vệ hai nhà báo Nguyễn Văn Năm và Hứa Phi Long bị đánh và yêu cầu nhà cầm quyền tỉnh Hưng Yên điều tra vụ việc bị lấy xuống.
Ðó là những bài: “VOV yêu cầu làm rõ, xử lý nghiêm vụ 2 nhà báo bị hành hung tại Văn Giang”; “Sẽ tiếp tục làm việc về vụ 2 nhà báo VOV bị hành hung”; “Hội Luật Gia Việt Nam lên tiếng vụ nhà báo VOV bị hành hung”; và “Việt Nam trong tuần: Phóng viên VOV bị hành hung - cần được sáng tỏ.”
Ðài BBC trích lời một nhà báo ở Hà Nội, đề nghị giấu tên, nói đây có lẽ là chỉ thị của cơ quan tuyên giáo “ngừng đưa tin trong khi nội vụ đang được làm rõ.”
Nhà báo này nói việc cơ quan văn hóa-tư tưởng can thiệp đưa bài lên hoặc rút bài đã đăng là “chuyện thường xảy ra,” nhưng thường là các bài đơn lẻ nên việc VOV rút một loạt bài cũng đang gây chú ý.
Cũng có ý kiến cho rằng đang có nỗ lực ngăn chặn việc “chính trị hóa” vụ cưỡng chế đất gây tranh cãi.

* Không im tiếng

Tuy nhiên, nhiều tờ báo chính thống tại Việt Nam đến nay vẫn tiếp tục khai thác đề tài này, mà đa số đều ngả về hướng chỉ trích các quan chức của nhà cầm quyền tỉnh Hưng Yên đã hành xử sai trái trong vụ cưỡng chế đất ở Văn Giang.
Bàn luận về việc hai nhà báo bị đánh, bài viết mang tên “Nền công vụ đang xuống cấp” trên báo Sài Gòn Tiếp Thị của tác giả Nguyễn Ngọc Ðiện thẳng thắn chỉ trích: “Cái đáng lo không chỉ dừng lại ở nguy cơ lạm dụng quyền dùng vũ lực của người thi hành công vụ. Qua thái độ ứng xử của một số quan chức khi giao tiếp với công chúng, sự tầm thường, nếu không muốn nói là sự thấp kém cả về năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức công vụ của người được giao chức năng quản trị, điều hành, đang có dấu hiệu lây lan trong hệ thống.”
Trước đó, trang mạng “Info.net.vn” của Bộ Thông Tin Truyền Thông có bài viết công phu tựa đề “Phóng viên VOV bị đánh: Báo động tình trạng phạm pháp của cảnh sát.”
Bài báo viết, “Việc 2 phóng viên VOV bị lực lượng cảnh sát đánh đập dã man trong vụ cưỡng chế ở Văn Giang đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng vi phạm pháp luật trong công tác thực thi nhiệm vụ của lực lượng này đối với người dân.”
Và rằng, “Việc các cán bộ công an, cảnh sát đánh đập người dân trong khi thực hiện nhiệm vụ đã thể hiện sự vi phạm pháp luật, mất đạo đức và cả sự yếu kém trong thực thi pháp luật.”
Nhân sự kiện này, bài báo liệt kê hàng loạt vụ điển hình về việc công an đánh chết người tại nhiều địa phương ở Việt Nam.
Ðó là các vụ Thiếu úy Nguyễn Thế Nghiệp, công an huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang đánh chết anh Nguyễn Văn Khương vào cuối tháng 7, 2010, hay vụ Trung tá Nguyễn Văn Ninh, công an phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội đánh gãy cổ ông Trịnh Xuân Tùng (28/2/2011) cùng các vụ khác ở Sóc Trăng, Khánh Hòa...
Bài báo kết luận, “Tình trạng vi phạm ngày càng tăng, số lượng các vụ việc công an, cảnh sát đánh dân xảy ra cũng ngày càng nhiều, và tạo nên một cái nhìn không đẹp, thậm chí là tiêu cực trong một bộ phận không nhỏ người dân về hình ảnh của lực lượng giữ gìn pháp luật.” (KN)

Bức ảnh phổ biến trên Facebook cho hay, sáng 14 tháng 5, 2012 bà con Văn Giang
đang kéo nhau lên UBND huyện gửi thông báo phản đối hành vi cưỡng chế tàn bạo
của các cấp chính quyền trọng vụ cưỡng chế xảy ra hôm 24 tháng 4.
 (Hình: Facebook Nguyễn Lân Thắng)
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét