Trang

Thứ Ba, 15 tháng 5, 2012

Vụ "ép"BN phong ăn thịt sống: “Lý do hết gas là rất vô lý và tàn nhẫn”

Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến cho biết: “Lý do để các hộ lý nghe sự chỉ đạo của cấp trên ở Trung tâm Da liễu Hà Đông phát thực phẩm sống cho bệnh nhân phong đưa ra vì hết gas là rất vô lý và tàn nhẫn”.
Liên quan đến sự việc một số y tá hiện đang trực tiếp làm việc tại Khoa Điều Trị Nội Trú – Trung tâm Da liễu Hà Đông (trụ sở tại xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, TP Hà Nội) phản ánh về tình trạng 21 bệnh nhân mắc bệnh phong, bị tàn phế nặng đã bị các hộ lý của Khoa ngược đãi một cách thậm tệ, thậm chí "ép" ăn gạo, thịt sống đã gây bức xúc trong dư luận.


Như báo điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin: Trước đó, sáng 4/5, các bệnh nhân được các hộ lý của Trung tâm phát cho mỗi người: Một suất gạo đủ dùng trong hai bữa trưa và tối, 4 đến 5 miếng thịt sống, một ít rau.

Tuy nhiên họ là những bệnh nhân nặng không có khả năng đun nấu được nên đành nhịn đói. Việc ông Vũ Văn Trình, PGĐ trung tâm Da Liễu Hà Đông, người trực tiếp quản lý Khoa điều trị nội trú trả lời nguyên nhân do hết Gas càng gây bức xúc cho bệnh nhân và người dân.


Trung tâm da liễu Hà Đông nơi xảy ra sự việc mang thịt sống đến cho bệnh nhân phong

Liên quan đến vấn đề này, phóng viên Báo Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến – Trưởng Văn phòng Luật sư Đức Thịnh (Đoàn Luật sư Hà Nội) để có góc nhìn về Luật pháp trước sự việc này.



Theo Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến, việc làm của ông Vũ Tiến Trình, Phó Giám đốc kiêm phụ trách Khoa điều trị nội trú trung tâm da liễu Hà Đông (Hà Nội) khi chỉ đạo phát gạo, rau, thịt sống cho các bệnh nhân Phong là rất đáng trách. Bởi lẽ những bệnh nhân này không có người thân chăm sóc, bản thân họ lại không có khả năng tự nấu ăn. Trong khi vị Phó giám đốc này lấy lý do hết Gas là quá vô lý và tàn nhẫn.

LS Tiến cũng cho biết thêm, theo Quy định tại Điều 5 về các nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức trong Luật viên chức thì ông Trình và các hộ lý đã sai phạm khi không tuân thủ pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp, thiếu đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử. Cụ thể ở đây, họ đã vi phạm quy định của Y tế về chăm sóc các bệnh nhân Phong.


Luật sư Nguyễn Hoàng Tiến trao đổi với phóng viên



“Tiếp đó, họ vi phạm quy tắc đạo đức và ứng xử của người làm y tế do bộ Y tế ban hành. Điều 17 của Luật viên chức đã nêu rõ: Nghĩa vụ của viên chức trong hoạt động nghề nghiệp mà tại Trung tâm da liễu, ông Phó giám đốc Trung tâm và các hộ lý đã không thực hiện đúng.. Hành vi này có thể bị xử lý, và vừa qua ông Trình đã bị đình chỉ công tác. Chính các hộ lý cũng phải khiển trách, nếu nghiêm trọng có thể buộc thôi việc.



Việc Phó giám đốc Trung tâm chỉ đạo “ép” bệnh nhân phong ăn gạo, rau, thịt sống tuy tác hại của nó về pháp lý chưa có nghiêm trọng nhưng về đạo lý là rất nghiêm trọng. Cái này đã được Đảng, Nhà nước cho bệnh nhân Phong hưởng mọi chế độ ăn uống, thuốc men điều trị vậy mà Trung tâm da liễu Hà Đông đã không làm tròn trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó để bỏ đói người ta.

Rõ ràng việc làm này hoàn toàn phi đạo đức và là ảnh hưởng xấu đến tấm gương nghành y tế. Việc chăm sóc bệnh nhân Phong giai đoạn cuối là thực hiện nhân đạo, nhưng lãnh đạo Trung tâm này và các hộ lý lại làm hoàn toàn ngược lại”, Luật sư Tiến cho biết.



Với tư cách là Trưởng văn phòng Luật sư Đức Thịnh, Luật sư Tiến nhấn mạnh: “Theo quan điểm của tôi, trường hợp này cần phải xử lý nghiêm, Sở y tế Hà Nội phải xử lý nghiêm ông Vũ Tiến Trình, Phó Giám đốc và các hộ lý để tránh gây dư luận xấu trong xã hội và lấy lại niềm tin cho bệnh nhân”.


Đình chỉ công tác PGĐ trung tâm Da liễu Hà Đông
Trao đổi với PV báo Giáo dục Việt Nam vào sáng 11/5, bà Lưu Thị Liên, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: "Ngay sau khi nắm được thông tin, lãnh đạo Sở chúng tôi đã tiến hành họp khẩn và có quyết định đình chỉ tạm thời công tác đối với ông Vũ Văn Trình, Phó giám đốc kiêm phụ trách Khoa điều trị nội trú Trung tâm da liễu Hà Đông để làm rõ trách nhiệm trong việc cấp phát gạo và thịt sống cho bệnh nhân".

Bà Liên cũng cho biết thêm: "Cùng với quyết định này thì sau 10 ngày kể từ ngày quyết định có hiệu lực ông Trình và ban lãnh đạo Trung tâm phải có báo cáo, kiểm điểm trách nhiệm của Ban giám đốc lên lãnh đạo Sở y tế".

Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng yêu cầu Trung tâm Da liễu Hà Đông phải xây dựng cơ chế quản lý, quy trình trách nhiệm, phân công cụ thể để đảm bảo đúng quy định đối với những bệnh nhân phong được chăm sóc toàn diện và các bệnh nhân khác.

Mặt khác, cũng theo bà Lưu Thị Liên, lãnh đạo Sở Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Da liễu Hà Nội cử 1 kíp bác sĩ và điều dưỡng vào giúp đỡ Trung tâm Da liễu Hà Đông để rà soát lại toàn bộ quy trình khám, điều trị, cấp phát thuốc cho người bệnh.
Nguyễn Tiến/GDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét