Trang

Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Bốn năm sau Ngày Vì Hoàng Sa - Trường Sa Thân Yêu - 9/12/2007

Mẹ Nấm - Ngày 9 tháng 12 năm ấy cũng đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử: một cuộc xuống đường rộng lớn chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời chứng minh rằng: chính người dân chứ không phải các quan chức, các đảng viên của đảng Cộng sản, đã xác định bằng hành động dứt khoát của mỗi cá nhân khi tham gia biểu tình khẳng định"Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam..."

*

Vậy là tròn 4 năm, kể từ ngày có cuộc xuống đường vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu - 9/12/2007 - 9/12/2011. Bốn năm qua, có thay đổi gì không?
* Với sự kiện năm 2007: 

Điếu Cày, Anh Ba SG, Tạ Phong Tần, ... - các thành viên trong Câu lạc bộ Nhà báo Tự do - những người có thể được xem là tiên phong trong những lần xuống đường đầu tiên phản đối hành vi xâm lược ngang ngược của Trung Quốc - đã bị bắt giam.

Những người đã tham gia và ủng hộ cuộc biểu tình ngày đó như blogger Hồ Lan Hương, Đông A SG, Trăng Đêm, Uyên Vũ, Thiên Sầu, Bùi Chát... vẫn tiếp tục bị hỏi thăm, sách nhiễu, đe dọa...

Ngày hôm nay, Điếu Cày, Anh Ba SG, Tạ Phong Tần vẫn bị bắt giam.

Khẩu hiệu Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam mà anh Điếu Cày hiên ngang vẽ lên nón, viết lên áo, khắc vào tim được tuyên bố bởi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng - 4 năm sau.

Ngày 9 tháng 12 năm ấy cũng đã đánh dấu một bước ngoặt lịch sử: một cuộc xuống đường rộng lớn chưa từng có trong lịch sử cầm quyền của đảng Cộng sản Việt Nam đồng thời chứng minh rằng: chính người dân chứ không phải các quan chức, các đảng viên của đảng Cộng sản, đã bằng hành động dứt khoát của mỗi cá nhân khi tham gia biểu tình để khẳng định:

"Hoàng Sa và Trường Sa là của Việt Nam"


* Năm 2011: 

Những người tham gia xuống đường chống Trung Quốc tại Sài Gòn vẫn tiếp tục bị đe dọa, bị trấn áp bằng nhiều hình thức như: đánh nguội, bắt nguội, áp lực với nơi đăng ký tạm trú, hăm dọa gia đình, bị tung xe, bị mất việc làm...

Bản thân cũng tôi bị giữ gần 36 tiếng tại Công an phường Tân Thới Nhất, quận 12 vì tuyên bố: "Tôi sẽ đi biểu tình!" trên blog mình.

Năm 2011, những người yêu nước còn bị bao vây trước cửa nhà, bị nhấc bổng, bẻ quặt tay, bị đạp vào mặt, bị hốt lên xe buýt, bị đưa vào trung tâm phục hồi nhân phẩm.

Những nhà văn lão thành, các bác cựu chiến binh bị đưa lên truyền hình, bị bôi xấu là những kẻ phản động, là những người bị giật dây và bị kích động bởi thế lực thù địch vô hình bên ngoài.

Tệ hơn là có người mất tích ngay trong đồn công an như chị Bùi Hằng.

Thảm hại hơn, người con đi tìm mẹ cũng bị bắt một cách ngang nhiên, vô cớ, bất chấp luật pháp và đạo lý con người.

Năm 2011, nhiều người bị giam giữ 2 ngày, 3 ngày, 5 ngày ở trại giam Hỏa Lò, để hiểu, để thấm thía hơn tình yêu Tổ quốc của mình.

Chua chát làm sao? Phải hiểu thế nào cho đúng cụm "Độc lập - Tự do - Hạnh phúc" ???

Năm 2011, ngư dân vẫn bị bắn, bị đánh, bị uy hiếp trên chính ngư trường Việt Nam. Họ vẫn tiếp tục bám biển bằng máu và nước mắt. Bám cả vào niềm tuyệt vọng khi biển mặn sóng xanh là mạng sống của chính mình.

Bốn năm qua đi,

Khái niệm "đi ngang đường", "đám đông tụ tập tự phát", lần đầu tiên được công khai thừa nhận trên báo chí là những cuộc biểu tình bày tỏ lòng yêu nước. Và gắn liền với sự thừa nhận này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao cho Bộ công an soạn luật biểu tình và sau đó trước Quốc hội tuyên bố sẽ ban hành luật biểu tình.

Bốn năm qua đi, có thêm nhiều người, đối diện với sự thật, đã nhận thức được quyền và trách nhiệm của mỗi công dân khi bày tỏ lòng yêu nước của mình. Họ cũng đã đối diện với đe dọa, trần áp, tù đày như là một cái giá phải trả cho lòng yêu nước.

Bốn năm qua đi, những con người yêu nước nồng nàn ấy vẫn là những người vô danh, vô hình, vô bóng trên các mặt báo lề phải. Từ khung màn hình, 90 triệu người dân chưa bao giờ được nghe tiếng hô uất hận nhưng kiêu hãnh Hoàng Sa Trường Sa là của Việt Nam của những công dân Việt Nam yêu nước ở Hồ Gươm Hà Nội, ở công viên 30/4 Sài Gòn.

Bốn năm sau "Ngày vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu" (xin được đặt tên cho ngày 9/12 hàng năm là thế) vẫn có nước mắt rơi và cả máu phải đổ vì biển đảo của tổ tiên.

Tôi nghĩ rằng, đến giờ đã có rất nhiều người có câu trả lời cho câu hỏi : "Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà hãy hỏi ta có quyền làm gì cho Tổ quốc hôm nay?", sau 4 năm.

Và đó, hoàn toàn không phải là một câu trả lời nhẹ nhàng.




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét