Trang

Thứ Năm, 15 tháng 12, 2011

Quan chức Kiên Giang cướp 10,000 ha đất của dân

Quan chức trở thành địa chủ

RẠCH GIÁ (NV) - “Hơn 10 năm rồi, dân chúng tôi khổ lắm...” Ðó là lời bà Trần Thị Lượm 61 tuổi, cư ngụ ở Kênh 9, xã Bình Giang, huyện Hòn Ðất, tỉnh Kiên Giang than thở với nhà báo Người Cao Tuổi.


Căn nhà tồi tàn của một nông dân bị các quan cướp mất sản nghiệp. (Hình: Người Cao Tuổi)


Gia đình bà Lượm là một trong hàng trăm gia đình nông dân ở tỉnh Kiên Giang đã bị quan chức cướp các thửa đất do công khai phá của họ, tổng cộng khoảng 10,000 ha, rồi không bồi thường gì. Quan chức lấy chia nhau, làm “sổ đỏ” tức giấy xác nhận chủ quyền rồi bán lại cho người khác, hoặc giữ lại cho chính những người nông dân khốn khó thuê lại, quan trở thành “địa chủ.”
Các số báo ngày 9 và 13 tháng 12, 2011 của tờ Người Cao Tuổi tường thuật phỏng vấn một số nông dân nạn nhân của các vụ cướp ngày của quan chức khiến các nông dân từ có năm, mười mẫu ruộng, trở thành tay trắng, đói khổ.
Trong số những người nông dân đó, có cả những người từng đào hầm nuôi cán bộ, con liệt sĩ, “Mẹ Việt Nam Anh Hùng,” cựu cán binh.

Nông dân tên Nguyễn Văn Thôn kể rằng năm 1996, gia đình ông có 16 ha và gần 200 gia đình khác bị nhà cầm quyền địa phương cướp ngang hết đất canh tác, đem giao cho một công ty Ðài Loan. Năm 2011, công ty này giải thể, đất của nông dân không trả lại cho người ta canh tác, các quan “chia cho cán bộ huyện, tỉnh để họ sang, bán cho thuê mỗi người thu lợi hàng trăm triệu đồng.”
Ông Thôn nói rằng mọi người “tức quá” đi kiện thì “huyện và tỉnh cố tình không giải quyết.”
Nông dân Nguyễn Hoàng Em, cựu chiến binh, kể là 9 ha đất của gia đình ông bị cướp đoạt “không bồi thường” và “toàn bộ diện tích ấy hiện cán bộ tỉnh cho dân nơi khác thuê.”
Tờ Người Cao Tuổi kể tiếp: “Cách khu đất 300 ha chia cấp cho 73 cán bộ tỉnh chừng 15 phút ghe chạy là khu đất 200 ha. Ðưa tay chỉ những đám đất hoang um tùm cỏ mọc, bà Ðinh Thị Bích (71 tuổi, ngụ tại ấp Kênh 9, xã Bình Giang, vợ liệt sĩ chống Mỹ), bức xúc: ‘Ðó là phần đất gần 7 ha mà khi chồng tôi đi đánh giặc, tôi dắt díu các con về đây chặt cây, múc đất... Năm 1996 tỉnh lấy hết, không có giấy tờ gì và hứa sẽ giao đất khác nhưng chờ hoài không thấy. Tôi có 6 đứa con, chúng nó còn khổ quá...’’”

Quan chức trở thành địa chủ

Cuộc điều tra của tờ Người Cao Tuổi kể, trong số khoảng 10,000 ha đất của nông dân (rộng gần bằng thành phố Biên Hòa, hơn gấp đôi tỉnh Ninh Bình, gấp đôi thành phố Mỹ Tho) bị các quan tỉnh Kiên Giang cướp lấy chia nhau có 420 ha ở xã Vĩnh Phú chia cho 108 cán bộ Sở Tài Nguyên Môi Trường; 300 ha ở xã Bình Giang, huyện Hòn Ðất, “cấp hết cho 73 cán bộ tỉnh.” Cũng tại xã này, một khu đất khác rộng 630 ha được “cấp cho 313 người, trong đó có khá nhiều đối tượng là cán bộ tỉnh, huyện.”
Người Cao Tuổi kể: “Còn tại huyện Kiên Lương, gần 150 ha khu vực kênh T4, xã Kiên Bình được giao cho 30 cán bộ huyện, tỉnh. Tương tự, khu vực kênh T5 rộng tới hơn 1,000 ha cũng được xẻ thành 320 lô. Mỗi thửa đất mặt tiền kênh có diện tích 10 ha, còn mặt hậu 5 ha. Rất nhiều cán bộ đã cho dân mướn lại dưới danh nghĩa nông trường.”
Chưa hết, theo lời một thương binh tên Hoàng Văn Hưng, “Tại khu vực kênh Một Ngàn, xã Hòa Ðiền, có 208 cán bộ tỉnh được cấp đất, mỗi người 4 ha. Và, cũng tại huyện Kiên Lương, có đến 353 cán bộ các cấp được giao 5 ha/người ở xã Bình Trị. Còn khu vực gần cầu Lung Lớn, xã Kiên Bình 22 ‘quan’ tỉnh có đất tại đây, mỗi ‘quan’ 10 ha. Riêng hai khu vực cầu 85B và cây xăng Trung Nho có 222 đối tượng được cấp (bình quân 7,000 m2/người), trong đó có 187 sĩ quan quân đội, 35 cán bộ huyện, xã (19 vị có từ 1 đến 3 ha)...”
Lại vẫn chưa hết, tờ báo trên nói: “Có thể nói, tại Kiên Giang tồn tại một đại ‘phong trào’ cấp đất cho cán bộ. Rất nhiều cán bộ, từ huyện đến tỉnh, từ đơn vị công quyền đến cơ quan đoàn hội được ‘chia xôi’... Sơ bộ, chỉ riêng số đất giao cho cán bộ cấp tỉnh đã lên đến hàng nghìn ha (Văn phòng UBND tỉnh 186 ha, Sở TN-MT 420 ha, Liên Ðoàn Lao Ðộng tỉnh 200 ha, Bộ Ðội Biên Phòng 200 ha...). Thậm chí, theo một đồng nghiệp của chúng tôi, không ít nhà báo (có cả PV báo TƯ ở tận Cần Thơ) cũng được chia đất!”
Theo tố cáo của thương binh Hoàng Văn Hưng, chỉ “vẻn vẹn” 16 CB đã “ôm” đến 769 ha, có vị “chơi” 156 ha (đã bán 6 ha), và xem ra, đây cũng là một kỷ lục, bất ngờ!
Sau khi cướp của nông dân, một số quan chức đã bán với giá từ 41 triệu đồng/ha thời năm 2005 đến 90 triệu đồng/ha năm 2008 mà bây giờ “không dưới 220 triệu đồng/ha,” theo bài báo.
Tuy vậy, một số quan chức vẫn còn giữ những thửa đất này, cho người nông dân khốn khó thuê lại, trở thành địa chủ “phát canh thu tô,” không phải nhờ công trần lưng khai phá mà chỉ nhờ ở cái ghế trong guồng máy cai trị. (TN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét