Trang

Thứ Năm, 12 tháng 1, 2012

Kêu gọi tăng cường sức mạnh hải quân Hoa Kỳ ở Biển Đông

Tác giả: Jim Lobe
Người dịch: Đỗ Quyên
12-1-2012
WASHINGTON – Trong khi thế giới dành phần lớn sự chú ý vào căng thẳng Mỹ-Iran ở eo biển Hormuz, thì một viện nghiên cứu quan trọng lại đang kêu gọi Washington tập trung nhiều hơn và dồn nhiều nguồn lực hơn vào một đầu mối quan trọng khác trong thương mại quốc tế, ở cách đó vài nghìn kilomet về phía đông.
Trong một bản báo cáo quan trọng vào hôm thứ ba, Trung tâm An ninh Hoa Kỳ Mới (CNAS) đã kêu gọi Washington theo đuổi chính sách “ưu tiên hợp tác” trên Biển Đông (nguyên văn: Biển Hoa Nam), vừa để tránh xung đột trong tương lai với Bắc Kinh vừa để bảo vệ tự do hàng hải và độc lập của các nước nhỏ trong khu vực.
Bản báo cáo dày 115 trang, “Hợp tác từ sức mạnh: Mỹ, Trung Quốc và Biển Đông”, cũng kêu gọi Mỹ tăng cường hạm đội hải quân từ 285 chiến hạm lên 346 tàu chiến trong những năm tới, để đối chọi lại quan niệm trong khu vực cho rằng Mỹ đang là siêu cường suy tàn.
Theo báo cáo, “quan hệ ngoại giao và kinh tế với Trung Quốc và các nước khác sẽ đạt hiệu quả hơn khi nó được hỗ trợ bởi một vị thế quân sự có thể tin tưởng được”. Báo cáo do Patrick Cronin, giám đốc cao cấp của chương trình châu Á-Thái Bình Dương, tổng hợp. Ông này cũng nhấn mạnh rằng bất kỳ hoạt động củng cố hải quân nào cũng “còn phải tùy thuộc vào mức độ tăng trưởng kinh tế trong tương lai – đây là ưu tiên chiến lược của Mỹ”.

“Cùng với việc cái hệ thống trên nền tảng luật pháp mà Hoa Kỳ phát triển đã trải qua hàng thập kỷ tồn tại và đang bị nghi vấn trước một Trung Hoa đang nổi lên, thì Biển Đông sẽ là một chỉ dấu chiến lược để xác định tương lai của quyền lực Hoa Kỳ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương”.
Bản báo cáo được công bố tiếp sau sự kiện tuần trước, Tổng thống Barack Obama đưa ra một chiến lược cắt giảm ngân sách quốc phòng mới, khẳng định dự định của ông là “hướng” hay “tái cân bằng” các lực lượng quân sự của Washington “xoay quanh khu vực châu Á-Thái Bình Dương”. Chắc chắn là báo cáo sẽ được các chuyên gia về khu vực này đọc rất cẩn thận, do mối liên hệ hiện nay giữa CNAS và chính quyền Mỹ.
Sáng lập viên của CNAS chẳng hạn, ông Kurt Campbell, là cố vấn cao cấp về châu Á ở Lầu Năm Góc dưới thời Bill Clinton. Hiện tại, ông Campbell làm việc ở bộ phận cao nhất về châu Á ở Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Đồng sáng lập CNAS, Michele Flournoy, từng tại nhiệm ở phòng chính sách cao nhất Lầu Năm Góc trong chính quyền Obama, trước khi về hưu cuối năm vừa rồi.
Tương tự như eo Hormuz – con đường hẹp nối Vịnh Pecsic (Ba Tư) với biển Ảrập và Ấn Độ Dương, nơi có khoảng 40% lượng dầu xuất khẩu của thế giới đi qua đó – Biển Đông được coi là một trong những vùng biển chiến lược và giá trị nhất hành tinh.
Từ lâu đã vốn là một vùng biển lắm cá và có lẽ là tuyến giao thương biển quan trọng nhất thế giới hiện nay, Biển Đông nối Ấn Độ Dương với Tây Thái Bình Dương qua eo biển Malacca.
Đáy biển chứa ít nhất 7 tỷ thùng dầu – trữ lượng đã được xác minh (Trung Quốc thì từng ước tính con số lên tới 130 tỷ thùng), và 900 triệu feet khối (hơn 25 triệu mét khối) khí tự nhiên. Điều đó khiến cho Biển Đông cùng chuỗi đảo nhỏ xíu, toàn đá là Hoàng Sa và Trường Sa – nằm lấm chấm trên biển – trở thành đối tượng tranh chấp, đối tượng của những yêu sách chồng chéo nhau về lãnh thổ của không dưới 8 nước: Trung Quốc, Đài Loan, Việt Nam, Malaysia, Singapore, Indonesia, Brunei và Philippines.
Trong hai năm qua, Trung Quốc ngày càng tỏ ra ngạo ngược trong việc họ khẳng định yêu sách chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, đôi khi còn có hành động quân sự để củng cố yêu sách đó, như hồi tháng 5 năm ngoái khi tàu tuần duyên của họ cắt cáp do một tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam đặt.
Cùng với hoạt động củng cố nhanh chóng năng lực hải quân, các hành động và dự định của Bắc Kinh đã gây ngày càng nhiều lo ngại cho các quốc gia cũng có yêu sách chủ quyền khác, đưa một số nước trong đó, nhất là Việt Nam và Philippines, vào việc phải tìm cách thắt chặt quan hệ an ninh với Washington.
Họ được khích lệ bởi sự kiện tháng 7/2011 khi Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tuyên bố tại một diễn đàn châu Á, rằng bản thân Washington cũng có “lợi ích quốc gia” trong việc bảo vệ tự do hàng hải ở khu vực và bảo vệ đường đi lối lại trên biển. Bà có ý nói rằng Washington có thể sẽ đứng ra “hỗ trợ” cho các cuộc đàm phán trong khu vực để giải quyết tranh chấp chủ quyền.
Bắc Kinh nổi khùng trước tuyên bố của bà Hillary Clinton, vừa do tuyên bố đó khẳng định Mỹ có lợi ích quốc gia bên ngoài biên giới của họ, vừa do nó ngấm ngầm khẳng định cách tiếp cận đa phương trong việc giải quyết những yêu sách mâu thuẫn mà các bên Việt Nam, Philippines, Malaysia và Brunei từ lâu vẫn theo đuổi. Trung Quốc vốn dĩ thích giải quyết tranh chấp với từng nước trên cơ sở song phương hơn.
Kể từ đó, Washington đã có nhiều động thái, trong đó có đẩy mạnh quan hệ quân sự và tiến hành tập trận chung với Việt Nam và Philippines.
Họ cũng vừa đạt một thỏa thuận với Singapore để đặt hai tàu chiến duyên hải tại đây. Thỏa thuận được công bố nhân chuyến thăm khu vực của Obama hồi tháng 11 vừa qua, theo đó, Australia cũng sẽ liên tiếp luân chuyển 2.500 lính thủy đánh bộ tại một căn cứ quân sự nằm gần với Biển Đông nhất, ở Lãnh thổ Bắc Úc, trong đợt mở rộng quy mô hiện diện quân sự dài hạn, lần đầu tiên của Mỹ ở khu vực châu Á/Thái Bình Dương kể từ Chiến tranh Việt Nam tới nay.
Các tác giả của bản báo cáo của CNAS rõ ràng là tán thành những bước đi trên, nhưng cũng đề nghị là còn cần phải làm nhiều nữa để tái khẳng định với các nước nhỏ rằng Washington sẽ luôn đứng bên họ ngay cả khi Trung Quốc chắc chắn sẽ phát triển quân đội và năng lực hải quân của họ với một tốc độ nhanh hơn.
“Việc Hoa Kỳ không thể tạo đủ sức mạnh trên Biển Đông có thể sẽ làm thay đổi những tính toán về an ninh đối với tất cả các nước trong khu vực” – báo cáo nhận định. Theo báo cáo, tình hình đó có thể dẫn tới việc Trung Quốc “Phần Lan hóa” các quốc gia duyên hải trong khu vực, một thuật ngữ ám chỉ chuyện Liên Xô cưỡng ép Phần Lan phải trung lập hóa trong Chiến tranh Lạnh.
“Chúng tôi muốn Hoa Kỳ duy trì thế tương quan lực lượng hiện tại” – Robert Kaplan nói. Ông này là đồng tác giả của phần lời giới thiệu trong bản báo cáo, trong đó có sự so sánh giữa tham vọng chiến lược to lớn của Trung Quốc trên Biển Đông với tham vọng của Hoa Kỳ hồi cuối thế kỷ 19.
“Hãy nhớ là, chính tầm quan trọng bao trùm của khu vực Lòng chảo Caribe lớn đã đưa đến sự thống trị của Hoa Kỳ trên toàn Tây bán cầu bắt đầu từ đầu thế kỷ 20, với sức mạnh thừa đủ để ảnh hưởng cả tới cán cân quyền lực ở Đông bán cầu. Điều tương tự như thế có thể xảy ra khi Trung Quốc trở thành bá quyền trên Biển Đông” – báo cáo viết.
Báo cáo cho rằng, để duy trì thế đi đầu, Washington không nên chỉ cố làm đảo ngược khuynh hướng sa sút của hải quân mình, mà còn phải khuyến khích các đối tác và đồng minh trong khu vực củng cố năng lực quân sự của chính họ, thiết lập quan hệ đối tác an ninh mới với nhau để giảm bớt gánh nặng lên Hoa Kỳ.
“Chủ nghĩa dân tộc ở các quốc gia trên Biển Đông như Việt Nam và Indonesia – cũng như các nước xa hơn ngoài khu vực như Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc – có thể là nền tảng tốt nhất để kết nối các lợi ích chung vào với nhau trong một mạng lưới lỏng lẻo, gần như vô hình, các quốc gia có cùng khuynh hướng và năng lực hàng hải ngày càng mạnh, cùng sẵn sàng đánh lại bá quyền Trung Quốc” – bản báo cáo viết.
Đồng thời, Washington nên tôn trọng mong muốn của các quốc gia đó, là duy trì sự thân thiện với Bắc Kinh.
“Trung Quốc càng cố thống trị ở Tây Thái Bình Dương, thì các nước Đông Á càng mong mỏi hơn bao giờ hết việc được làm đối tác của Hoa Kỳ” – báo cáo nhận định. “Tuy nhiên, cũng chính những nước đó lại muốn tránh xung đột với một nước Trung Hoa ngày càng hùng mạnh, cũng là đối tác thương mại chủ chốt của họ”.
Đọc thêm blog của Jim Lobe’ về chính sách đối ngoại Hoa Kỳ tại: http://www.lobelog.com.
Nguồn: Asia Times
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét