Tham nhũng đỏ trong cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước Việt Nam
Phan Châu Thành - Hiện nay xã hội ta rất lo ngại về tình trạng tham nhũng trong quá trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (bên cạnh tham nhũng đất đai, tham nhũng ngân sách…) vốn là một trong các chính sách thuận lòng dân nhằm cải tổ và làm lành mạnh nền kinh tế VN.
Tham nhũng nói chung đều là đỏ vì chỉ có cán bộ có thẻ đảng viên cộng sản mới có cơ hội và quyền hành không bị ai kiểm soát sinh ra tham nhũng (đỏ), còn người dân thậm chí quyền yêu nước và phát ngôn tình yêu đó cũng bị đảng kiểm soát chặt chẽ nữa là…
Bằng bài này tôi xin sơ bộ chỉ ra, gọi tên, mô tả hệ thống tham nhũng đỏ trong quá trình cổ phần hóa (CPH) các DNNN đã và đang diễn ra ở VN suốt hơn chục năm qua và vẫn sẽ tiếp tục ráo riết được thực hiện, để chúng ta hiểu bản chất của quá trình tham nhũng này và tác hại lâu dài của nó lên nền kinh tế VN trong cả thời hậu CS sắp tới. Rất tiếc, cá nhân tôi không thể đề ra các biện pháp ngăn chặn hậu họa của nó, bởi có toàn thể nhân dân VN mới làm được điều này.
CPH được Chính phủ giao cho các Bộ, các tỉnh thành và các Tập đoàn Kinh tế triển khai, thực chất là khoán trọn cho các Tập đoàn, Tổng công ty như một chỉ tiêu phấn đấu, mặc dù có Ban chỉ đạo CPH của Chính phủ và các Tỉnh thành, các Bộ. Lý do: Chính phủ không thực tâm làm CPH vì không coi trọng hay không muốn làm điều này và chỉ phải làm cho chiếu lệ để báo cáo với đảng với dân cho xong.
Thực tế, CPH diễn ra tại các Tập đoàn, Tổng Công ty, Bộ hay Sở ban ngành của các Tỉnh thành đều rất chậm và qua rất nhiều giai đoạn, nhưng quan trong nhất và quyết định tất cả là giai đoạn “rất kín” đầu tiên: chuẩn bị và phê duyệt phương án CPH, bao gồm:
1- Đề xuất phương án CPH: Các đơn vị muốn CPH đề xuất phương án CPH của mình lên cấp trên (Tập đoàn hay Tổng Công ty hay Bộ hay Sở ban ngành của các Tỉnh thành và Ban chỉ đạo CPH – sau đây xin gọi là Tập đoàn KT nhà nước hay TĐKTNN) để phê duyệt. Vấn đề là ai, công ty nào MUỐN CPH?
Không phải những công ty khó khăn, yếu kém, không tiềm lực, không tương lai. Những công ty này luôn kiên quyết bám chặt vào nhà nước với lý do như: nhiệm vụ chính trị, chức năng xã hội…! Chỉ những Cty có tiềm lực tốt, có nhiều tài sản ẩn, có thị trường lớn, và có những cái đầu đỏ tinh ranh… xin tha thiết CPH mà thôi. Và phương án CPH của những cán bộ các cty này thì nêu rất nhiều khó khăn thiếu thốn nhưng vẫn “quyết tâm muốn CPH theo phân công” nhưng theo phương án họ đề xuất…. Chỉ một điều này cũng đủ thấy CPH sẽ chỉ làm nghèo và thất thoát tài sản dân nước thế nào.
2- Phê duyệt P/án CPH: TĐKTNN sẽ xem xét và phê duyệt phương án CPH hay không tùy thuộc: họ có được tham dự chia phần trong cái bánh CPH ngon lành mà các đồng chí cơ sở (ở đây đúng là “đồng chí” thật!) trình lên không, và “có” thì sự ăn chia đó đã thỏa mãn “kỳ vọng” của họ và cấp trên ra quyết định của họ không? Bởi vì, tất cả bọn họ, từ cán bộ cấp cơ sở trở lên đều biết rõ CPH là “làm thịt” những con bò tơ ngon nhất trong đàn bò DNNN chứ không phải loại những con yếu kém ra cho các công ty CP tài giỏi hơn gánh vác. Thế nên, quá trình phê duyệt phương án CPH là quá trình thỏa thuận chia chác và hoàn thiện phương án CPH của BGĐ Công ty sẽ được CPH với các cá nhân phụ trách cấp trên sao cho “kín kẽ” nhất và ai cũng phải hài lòng (ai trong nhóm lợi ích đỏ cũng đều có lợi, chả cần có ích nếu có quyền)!
Trong p/án được duyệt, các chi tiết quan trọng và nhạy cảm nhưng quyết định “thắng lợi” của CPH đều phải được thỏa thuận rất kỹ càng giữa các phe nhóm “quyền lợi”: định giá Cty là bao nhiêu? Kiểm toán thế nào sao cho họ chấp nhận định giá đó? Tỷ lệ CPH (Sở hữu Nhà nước còn lại) là bao nhiêu? Tỷ lệ phân chía CP cho cán bộ nhân viên công ty và tập đoàn? Ban GĐ Cty và Tập đoàn được ưu tiên “mua” (nhiều khi họ nói “BGĐ Cty có trách nhiệm phải mua ít nhất là”…) bao nhiêu CP? Cho các đối tác “chiến lược” trong và ngoài ngành và bán “ra ngoài” bao nhiêu CP?...
Cần nói rõ thêm về định giá Cty đươc CPH: cái gì được định giá thấp ở đây mà họ ham thế? Tất nhiên là tài sản hữu hình của công ty – chúng được định giá rất thấp hoặc không xuất hiện trên bảng tài sản “có” mà trên bảng “nợ” (vì theo sổ sách “kế toán nhà nước” chúng đã âm từ lâu hay được mang đi “gán nợ” rồi!). Kế đó là tài sản vô hình – thương hiệu, thị phần, bản quyền sản phẩm… Chúng hầu như không được định giá (vì không có “chính sách nhà nước” cho việc định giá đó!).
Nhưng có những cái không được định giá còn giá trị hơn thế nữa mà không được thể hiện hay nhắc đến bao giờ trong CPH: đó là sự độc quyền của Cty đó trên thị trường do là công ty nhà nước bảo lãnh, sự độc quyền hay lợi thế trong tiếp cận (chiếm) vốn và tài nguyên quốc gia, trong việc can thiệp vào chính sách nhà nước sao cho có lợi cho mình ngay cả khi nhà nước vẫn luôn “ưu tiên” cho họ…
Đặc biệt quan trọng là chính sách nhân sự của Cty sau CPH: ai đại diện CP của Nhà nước, ai đại diện CP của Công ty Mẹ? Ai sẽ là GĐ và CT HĐQT Cty CP đó? Ai sẽ tham gia HĐQT Cty CP đó?
Ngay cả chiến lược triển khai CPH cũng được chuẩn bị rất kỹ càng: khi “bán ra” thì làm sao? Kế hoạch gom CP lại từ cán bộ nhân viên không có tiền mua thế nào? Những CP lớn của cấp trên và BGĐ nhưng không phải đóng tiền thì che chắn làm sao, xóa dấu vết “nộp tiền giả” đó thế nào? Chia chác những tài sản là bất động sản của công ty đó được nhà nước giao trước CPH nhưng “bỗng nhiên” không có trong danh mục tài sản công ty khi CPH thế nào?...
3- Thực hiện CPH: Khi Phương án CPH đã hoàn thiện và được phê duyệt qua giai đoạn chuẩn bị “rất kín” kẽ như trên thì việc thực hiện CPH chỉ còn là những màn hài kịch công khai mà diễn viên gồm hai loại: biết và thuộc vai diễn của mình (Ban GĐ, cán bộ trong nhóm quyềnèlợi các cấp trên…) và không hề biết vai của mình: cán bộ nhân viên, các “nhà đầu tư gà mờ”, quần chúng, báo chí, cả xã hội (mua CP công ty đó trên thị trường CK)! Khán giả cũng gồm hai nhóm: biết đó là hài kịch hoặc tưởng đó là CPH…
Như vậy, kết luận đầu tiên về CPH là:
Nếu các Doanh nghiệp Nhà nước “cần cổ phần hóa dần dần theo chính sách của chính phủ” là những con bò sữa, dù không phải giống tốt lắm (giống XHCN) nhưng vẫn đang được cho ăn bởi nền kinh tế ọp ẹp của nước nhà, thì người ta lại chỉ cho CPH những công ty con là những bộ phận nhỏ như bầu sữa và vú sữa của con bò đó thôi, để họ có thể vắt sữa, còn các cơ quan “đầu vào” và chân chạy của con bò XHCN thì người ta vẫn để nhà nước lo hết, để luôn cái đuôi và “đầu ra” của bò cho xã hội chịu!
Kết luận thứ hai, quan trọng hơn, về CPH là:
Qua quá trình thiết kế và thực hiện phương án CPH kỹ càng, đoàn kết, nhất trí từ trên xuống dưới như vậy, “đảm bảo quan điểm của đảng”, các nhóm “quyền lợi đỏ” không chỉ ăn cướp một lần tài sản quốc gia qua việc mua rẻ hay cướp không công khai cổ phần các công ty bị CHP dưới xa giá trị thị trường của nó (có khi đến hàng chục lần), mà hơn thế nữa, họ còn cướp luôn cả hệ thống công cụ đòn bẩy kinh tế nhiều tầng lớp móc nối nhau để tiếp tục rút ruột - vắt sữa bò lâu dài nền kinh tế quốc gia, như tôi xin trình bày ở phần sau.
Trước khi đi vào chi tiết, xin thỏa thuận định nghĩa khái niệm “đòn bẩy kinh tế”: là hệ thống hữu hình hay vô hình các tổ chức, công cụ, con người sao cho chủ nhân của các hệ thống đó chỉ bỏ ít hoặc không bỏ công sức và tài nguyên nhưng luôn nhận lại rất nhiều kết quả kinh tế, tài chính.
Sau khi được CPH, mỗi công ty cổ phần hầu như đều hoạt động trong các hệ thống đòn bẩykinh tế đa tầng móc nối nhau từ vĩ mô đến vi mô mà những người thiết kế và thực hiện CPH này chính là chủ sở hữu chính của các công ty CP đã nghĩ ra, cài đặt và đang vận hành chúng.
Đòn bẩy 1 ở cấp thấp (vi mô): BGĐ và một số cổ đông “chiến lược” của công ty (thường là cán bộ cấp trên và thân hữu) dù chỉ sở hữu thiểu số cổ phần (ví dụ 10%-20%) nhưng có thể toàn quyền lũng đoạn mọi hoạt động công ty cho lợi ích nhóm mình, vì họ được “đại diện pháp lý” số CP của nhà nước và cả CP “kín” của các cán bộ Tập đoàn, Tông Cty… Đó là đòn bẩy“cổ phần nhỏ chi phối cổ phần lớn”, đã được cài đặt sẵn....
Đòn bẩy 2 ở cấp thấp (vi mô): BGĐ và một số cổ đông “chiến lược” của công ty (thường là cán bộ cấp trên và thân hữu) thường đều cùng có chung hay riêng các công ty TNHH con “sân sau” thường làm đối tác chính của mọi hoạt động của công ty sau CPH. Các công ty “đối tác chiến lược” này chính là các hệ thống đòn bẩykinh tế để rút ruột hiệu quả kết quả kinh doanh của Công ty CP qua các hợp đồng “kinh thế” mà họ được độc quyền “thực hiện” với công ty CP. Đây là đòn bẩydùng “pháp nhân kinh doanh con chi phối pháp nhân Công ty CP”, đã được “nhất trí” bày binh bố trận…
Đòn bẩy kinh tế số 3 - Cơ bản ở trung tâm: Công ty được CPH dù có số vốn rất nhỏ so với Công ty Mẹ của nó nhưng vẫn có thể khai thác được các thế mạnh vốn, thị trường, chính sách, tài nguyên … của cả công ty Mẹ để kinh doanh cho riêng mình. Họ làm được vậy vì họ vẫn là công ty có vốn góp nhà nước – công ty mẹ, vẫn mang thương hiệu công ty nhà nước Mẹ, vẫn được nhà nước ưu tiên vốn, chính sách và đất đai, và nhất là vì họ có các “cổ đông chiến lược” chính là các cán bộ chủ chốt đang ngồi trong công ty Mẹ có quyền phân chia vốn, chính sách, đất đại… đó! Đây là đòn bẩy tổ chức: “công ty CP chi phối cả tập đoàn kinh tế mẹ” sinh ra từ chính quá trình CPH nửa vời và nhập nhèm trên của nhà nước XHCN VN!
Đòn bẩy tài chính số 4 ở trung tâm: Công ty được CPH dù có số vốn sở hữu và pháp định thường nhỏ nhưng lại có thể dễ dàng huy động số vốn kinh doanh lớn do có yếu tố nhà nước, được công ty nhà nước mẹ bảo lãnh và được các ngân hàng nhà nước ưu đãi. Ngoài ra, một số công ty CP còn có cổ đông chiến lược chính là các ngân hàng nhà nước khác, dù rất tượng trưng. Đây là hợp tác “hai bên cũng có lợi” để “khai thác” thị trường vốn nhà nước của các Công ty CP nhưng vẫn núp bóng nhà nước. Đây là đòn bẩy“tài chính liên minh kiểu định hướng XHCN”, chỉ có ở “ta” mới có!
Đòn bẩy số 5 cấp cao (vĩ mô) ở trung tâm Tập đoàn: Công ty được CPH nhờ có Đòn bẩy số 3 chính ở Trung tâm (nêu trên) nên thường “điều hành được” cả tập đoàn kinh tế mẹ. Mà tập đoàn kinh tế mẹ thì là những “quả đấm thép” của cả nền kinh tế XHCN nên có “nhiệm vụ” và đặc quyền rất lớn trong một lĩnh vực lớn của cả quốc gia. Bản thân Tập đoàn kinh tế mẹ dù ít tài yếu lực nhưng trọng trách và quyền hạn rất cao trong toàn ngành (vừa đá bóng vừa thổi còi) là một loại đòn bẩykinh tế xã hội lớn để dễ dàng thu gom lợi ích xã hội về cho tập đoàn họ mà chả mất công sức gì, nghiễm nhiên bắt làm con tin cả thị trường “khách hàng” trong nước, dành mọi thiệt hại cho các thành phần khác, cho “khách hàng” và cả nền kinh tế (như ngành điện chả hạn…). Khi công ty CP khai thác được đòn bẩy kinh tế là chính công ty mẹ này (lại qua các cổ đông đặc biệt trong công ty mẹ) là khai thác được đòn bẩy kinh tế số 5 ở cấp vĩ mô. Đây là đòn bẩy “định hướng XHCN” do đảng sáng tạo và các nhà tư bản đỏ khai thác!
Tạm kết:
Với hệ thống 5 loại đòn bẩy kinh tế được thiết kế, cài đặt và vận hành liên hoàn rất tinh vi qua CPH như trên, đa số các công ty sau CPH đi vào hoạt động đều trở thành những con gà đẻ trứng vàng cho các cổ đông chính của nó (chỉ các cổ đông chính thôi). Các công ty mẹ thì cứ vô tư để các công ty CP rút ruột rồi tự bù lỗ, cắt lỗ…vì “trót đẻ con ra thì phải nuôi thôi!”
Vấn đề là những con gà “nuôi” và “lai giống” này hình thành trong tham nhũng đỏ, sở hữu bởi tư bản đỏ, dùng các hệ thống đòn bẩykinh tế bất hợp pháp đỏ trên để lấy vàng nhà nước đỏ đẻ ra/biền thành vàng riêng cho tư bản đỏ, nuôi tư bản đỏ lũng đoạn lại kinh tế nhà nước, chứ không phải cứu giúp nền kinh tế thị trường hay làm lành mạnh nó như mục đích chính của CPH.
Kết quả cuối cùng thì nhân dân lao động VN vì vẫn tin tưởng đảng CSVN nên vẫn sẽ phải gánh chịu cho đảng mà thôi. Nhân dân ta không chỉ bị mất tài sản quốc dân qua CPH mà còn bị áp đặt thêm những cái tròng bóc lột tinh vi kiểu mới là các công ty CP có “ruột non” dính chặt ngân khố, tài nguyên và chính sách ưu đãi của quốc gia nữa.
Tất nhiên, không phải tất cả các công ty CP từ các DNNN và vẫn đang có vốn nhà nước đều có cấu trúc và cách hoạt động “hút máu” qua hệ thống 5 loại đòn bẩy kinh tế như trên, nhưng có lẽ số đó là hiếm hoi, vô cùng hiếm hoi. Tại sao ư? Ngay cả những công ty tư nhân, CP hay TNHH có 100% vốn tư nhân hay nước ngoài đa số cũng luôn ước ao và thậm chí luôn cố gắng để có được những cái “ruột non” như thế để tồn tại…
Thật là tình cảnh đau xót cho nền kinh tế nước Việt ta thời cộng sản cực thịnh này.
Mà ngay cả sau kinh tế XHCN sụp đổ - sau khi hút hết sữa của con bò nhà nước rồi thì các công ty CP đó cũng sẽ vẫn là các công ty có tên tuổi, chỗ đứng và thế lực trên thị trường kinh tế hậu cộng sản để “kinh doanh” tiếp.
Mà điều họ làm giỏi nhất là hút máu quốc gia và nhân dân… Đó mới là nguy cơ lớn mà cộng sản VN sẽ để lại cho tương lai kinh tế nước nhà thời hậu cộng sản!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét