Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Chuỗi Cung Ứng và bài toán phá giá tiền đồng

Cũng trong năm ngoái báo chí và giới blogger có một dạo rộ lên về một nghiên cứu của một nhóm nghiên cứu sinh ở ADB/GRIPS về giá trị gia tăng của Trung Quốc trong chi phí sản xuất iPhone (bản rút gọn trên VoxEU). Theo tính toán của nhóm tác giả, chi phí của một chiếc iPhone 3G là 178 USD, trong đó 172 USD cho các phụ kiện và chỉ có 6.5 USD cho công lắp ráp. Một tính toán khác của The Atlantic cũng cho kết quả tương tự, Foxconn chỉ thu được khoảng 7 USD tiền “gia công” một chiếc iPhone ở Trung Quốc . Nghiên cứu của ADB/GRIPS được đưa ra trong giai đoạn báo chí, giới chính trị và kinh tế đang tranh luận về vấn đề tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ quá thấp và Mỹ cần phải có biện pháp trừng phạt Trung Quốc . Với lập luận phần giá trị gia tăng trong một chiếc iPhone chỉ chiếm chưa đến 4%, các tác giả của nghiên cứu và những người chống lại chính sách ép Trung Quốc phải tăng tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ cho rằng ảnh hưởng của tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ vào giá thành iPhone sẽ không đáng kể.


Giá thành chi tiết của một chiếc iPhone được ráp tại Trung Quốc

Ngoài lề: liên quan đến vụ ép Trung Quốc tăng tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ, một điểm rất thú vị là trong khi giới chính trị gia theo đường lối bảo thủ và cứng rắn của Mỹ ủng hộ trừng phạt hay chí ít là công bố Trung Quốc là thao túng tiền tệ, phía truyền thông và học giả cánh hữu lại có quan điểm ngược lại. Tờ Wall Street Journal và  một số nhà  kinh tế học cánh hữu như Mark Perry, Michael Spence chống lại chính sách ép Trung Quốc tăng tỷ giá, trong khi New York Times và Paul Krugman lại rất tích cực trong việc trừng phạt Trung Quốc. Riêng tờ The Economist (thiên về cánh tả) chống lại chính sách này.
Trong nghiên cứu của ADB/GRIPS có một đoạn mà bài báo vừa rồi của New York Times có nhắc đến là ước lượng của các tác giả về phần chi phí nhân công mà Apple “tiết kiệm” được khi iPhone được lắp ráp ở Trung Quốc thay vì ở Mỹ. Với giả định giá nhân công Mỹ (cùng công nghệ) cao hơn Trung Quốc 10 lần, một chiếc iPhone sẽ đắt hơn khoảng 65 USD nếu được lắp ráp hoàn toàn ở Mỹ. Các tác giả kết luận rằng với tổng lợi nhuận của Apple khoảng 64%, phần chi phí tăng lên này hoàn toàn có thể chấp nhận được nếu Apple là một công ty có tinh thần trách nhiệm với xã hội, nghĩa là chấp nhận giảm bớt một phần lợi nhuận để bảo vệ việc làm cho người Mỹ (American’ jobs). Bài báo của New York Times đã đánh đổ nhận định này, Apple phải lắp ráp iPhone ở Trung Quốc không phải vì để tiết kiệm 65 USD chi phí nhân công mà vì toàn bộ chuỗi cung ứng  cần thiết cho quá trình sản xuất một thiết bị như iPhone đã không còn tồn tại ở Mỹ. Một ví dụ rõ ràng là để tuyển 8700 kỹ sư cho toàn bộ chuỗi cung ứng  của iPhone, Apple sẽ phải mất 9 tháng ở Mỹ trong khi ở Trung Quốc chỉ cần 15 ngày.

Nhân công trong nhà máy Foxconn ( Trung Quốc)
Rõ ràng trị giá của chuỗi cung ứng đó không chỉ là 6.5 USD hay 7 USD vào tay Foxconn, nó phải lớn hơn nhiều lần dù chưa ai đinh lượng chính xác được. Nó không chỉ giúp Trung Quốc lấy được hợp đồng “gia công” iPhone cho Apple mà còn giúp nước này trở thành công xưởng của toàn thế giới cho hầu hết các loại hàng tiêu dùng khác. Tuy nhiên nếu phần giá trị của chuỗi cung ứng  đó lớn, giả sử chiếm khoảng 50% giá trị của một chiếc iPhone hay một loại hàng hóa “made in China” nào đó, rõ ràng lúc này vấn đề tỷ giá đồng Nhân Dân Tệ sẽ trở nên quan trọng không như các tác giả của ADB/GRIPS và nhiều nhà  kinh tế học cánh hữu khác lập luận. Tất nhiên tỷ giá chỉ là một yếu tố, những “thế mạnh” khác của Trung Quốc như lực lượng lao động lớn, tính linh hoạt, chấp nhận làm việc trong những điều kiện tồi tệ, chấp nhận những qui định quản lý môi trường lỏng lẽo… cũng có ảnh hưởng đến sự hình thành của các chuỗi cung ứng . Nhưng nói tỷ giá không có ảnh hưởng gì vì Trung Quốc chủ yếu xuất khẩu gia công hàng hóa là đã bỏ qua vai trò quan trọng của chuỗi cung ứng mà Trung Quốc đã dày công xây dựng.
Tương tự như vậy, nói Việt Nam sẽ không có lợi gì khi phá giá Việt Nam vì chủ yếu hàng xuất khẩu phải nhập nguyên liệu từ bên ngoài cũng tức là bỏ qua vai trò của chuỗi cung ứng ở Việt Nam . Ảnh hưởng của tỷ giá không chỉ tác động vào phần giá trị gia tăng trực tiếp mà doanh nghiệp nhận gia công được hưởng, nó còn giúp các thành phần khác trong chuỗi cung ứng ăn theo. Ngay cả khi chuỗi cung ứng nội địa của Việt Nam còn rất yếu và thiếu điều kiện phát triển (nhân công, cơ sở hạ tầng yếu kém), tín hiệu đầu tiên và quan trọng nhất cho các doanh nhân manh nha một chuỗi cung ứng là giá chứ không phải những lời hô hào kêu gọi “xây dựng các ngành công nghiệp phụ trợ”. Chừng nào giá nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc còn rẻ hơn hàng do Việt Nam sản xuất thì không hi vọng gì chuỗi cung ứng của Việt Nam sẽ cất cánh. Nhiều chính sách cần thực hiện để thúc đẩy sự phát triển của chuỗi cung ứng, chính sách tỷ giá – nói trắng ra là một đồng nội tệ định giá thấp – sẽ là một chính sách không thể thiếu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét