Trang

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Thông tin nhiều chiều về vụ cưỡng chế, thu hồi đất của ông Đoàn Văn Vươn ở Hải Phòng: Đâu là sự thật? (kỳ 2)

Báo Công Lý bầy hầy quá.
Ngày 3-2, Báo Công lý đã bước đầu đưa ra những thông tin về tính pháp lý về xác định mục đích sử dụng đất - cơ sở pháp lý quan trọng của quyết định giao đất theo quy định pháp luật hiện hành của UBND huyện Tiên Lãng đối với ông Đoàn Văn Vươn. Hiện dư luận có nhiều thông tin trái chiều về vấn đề này. Nhóm phóng viên Báo Công lý đã tiếp cận hồ sơ vụ việc và có quan điểm riêng của mình để rộng đường dư luận.

Kỳ II: Vì sao phải thu hồi đất?
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết Tiên Lãng là một trong những địa phương được “thiên nhiên ban tặng” với hàng trăm ha đất bãi bồi ven sông, biển. Với loại đất này, theo quy định pháp luật, UBND huyện có quyền giao đất có thời hạn để sử dụng vào mục đích phù hợp với tiềm năng của đất. Trong thời hạn đó, chủ sử dụng đất được hưởng lợi từ đất, hết thời hạn, chủ sử dụng phải trả lại cho Nhà nước để chuyển sang chế độ cho thuê đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.
Cưỡng chế đầm trên vị trí nhà ông Vươn ngày trước.
 
Trường hợp của ông Đoàn Văn Vươn và các trường hợp khác được UBND huyện giao đất để nuôi trồng thủy sản đều có thời hạn cụ thể (từ 10-15 năm). Trong thời hạn trên, các chủ được giao sử dụng đất chỉ phải nộp khoản thuế hàng năm, ngoài ra không phải nộp bất cứ khoản nào khác. Bởi vậy, từ khi được giao đất đến khi hết hạn sử dụng đất, ông Vươn chỉ phải nộp cho ngân sách Nhà nước hơn 58 triệu đồng. Tuy nhiên, ông Vươn mới nộp 48 triệu đồng, số tiền hơn 10 triệu đồng còn lại, ông Vươn không chịu nộp. Mặc dù Chi cục Thuế Tiên Lãng và UBND xã Vinh Quang đã nhiều lần thông báo yêu cầu ông Vươn nộp nốt nhưng cho đến thời điểm bị cưỡng chế, ông Vươn vẫn không thực hiện.
Hiện trường vụ cưỡng chế.
Từ thực tế việc sử dụng đất của ông Đoàn Văn Vươn và một số trường hợp được giao đất tương tự, UBND huyện Tiên Lãng buộc phải thu hồi đất đã giao cho ông Vươn và các chủ sử dụng khác để đảm bảo các mục tiêu: Thứ nhất là nhằm khai thác tốt tiềm năng của đất, cơ cấu lại diện tích đất sao cho phù hợp với khả năng đầu tư của chủ sử dụng đất. Thứ hai là nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về đất đai.
Bà Mai Thị Thơm, SN 1968, trú tại xóm Kim, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, Hải Phòng, vợ ông Phạm Văn Lứa, người được ông Vươn cho thuê lại 6ha diện tích đầm khẳng định với phóng viên: “Nhà em cùng một vài anh em khác thuê 6ha đất đầm của anh Vươn để canh tác từ ngày 25-12-1999 đến năm 2007, giá tiền thuê là 5 triệu đồng/ha/năm. Chúng em đã thanh toán cho anh Vươn 120 triệu đồng, trong đó chuyển vào ngân hàng 89.985.100 đồng, còn 30 triệu đồng trước đó đã đặt cọc cho anh Vươn…”.
Theo đánh giá khách quan của chính quyền địa phương thì công tác quản lý Nhà nước về đất đai ở khu vực này chưa được chặt chẽ. Diện tích đất bãi bồi giao cho ông Vươn và các hộ khác chưa được thống kê đầy đủ để đưa vào quỹ đất của địa phương. Hơn nữa, việc ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng giao đất để nuôi trồng thủy sản, nay hết thời hạn sử dụng cho phép thì ông Vươn phải tiến hành các thủ tục để UBND huyện chuyển sang hình thức cho thuê đất theo quy định tại Điều 80 Luật Đất đai năm 2003. Mục tiêu quan trọng thứ ba là nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc sử dụng quỹ đất, bởi ở Tiên Lãng bình quân đất nông nghiệp chỉ hơn 1 sào/người. Trong khi đó, ông Vươn và một số người khác được sử dụng hàng chục ha.
Với 21 ha được giao từ năm 1997, sau đó thêm 19,3 ha đất tại đây, trong 14 năm ông Vươn chỉ phải nộp 58 triệu đồng, thì đã thấy ông Vươn được thụ hưởng quyền lợi thế nào từ đất. Đặc biệt, một sự thật khác mà chúng tôi không thể không đề cập đến là việc ông Vươn đã tìm mọi cách thu lợi từ đất được giao, trong đó có việc làm trái pháp luật. Minh chứng là hiện nay chúng tôi có trong tay hai bản hợp đồng ông Vươn đã ký cho hai đối tượng khác thuê lại diện tích 6ha đất nuôi trồng thủy sản mà ông Vươn được giao.
Đó là ngày 25-12-1999, ông Đoàn Văn Vươn với danh nghĩa Giám đốc Công ty liên doanh TNHH Dương Hải đã ký hợp cho một nhóm 6 người (do ông Nguyễn Trường Nham làm Tổ trưởng) thuê lại của ông Vươn 6ha đến tháng 10-2007; thời hạn cho thuê như vậy là 8 năm, và giá cho thuê là 5 triệu đồng/ha/năm. Sau khi hợp đồng trên kết thúc, không để lỡ cơ hội “kiếm lời”, ông Vươn lại ký tiếp một hợp đồng cho ông Phạm Văn Bìa thuê 6ha trên với giá 30 triệu đồng/năm, thời hạn cho thuê đến hết năm 2014 (ảnh trên). Vậy là, với hai hợp đồng “thâm canh” trái pháp luật này, ông Vươn đã “đút túi” gần 500 triệu đồng. Rõ ràng số tiền ông Vươn phải làm nghĩa vụ với Nhà nước so với số tiền “lợi nhuận” mà ông thu được từ hai hợp đồng “béo bở” này quả không thấm vào đâu. Phải chăng, xuất phát từ hợp đồng cho bên đối tác thuê lại kiếm tiền bộn còn đang dang dở này nên ông Vươn kiên quyết phải bảo vệ khu đầm đến cùng?
Những dẫn chứng cụ thể mà chúng tôi nêu ra ở đây phần nào giúp cho bạn đọc hình dung ra sự thật đằng sau vụ cưỡng chế thu hồi đất và cũng lý giải nguyên nhân vì sao UBND huyện Tiên Lãng buộc phải cưỡng chế thu hồi dứt điểm diện tích đất đã giao cho ông Vươn.
Hy vọng qua bài viết này và số báo sau, bạn đọc có cái nhìn toàn diện, khách quan hơn về bản chất vụ việc trước những luồng thông tin nhiều chiều, trong đó không loại trừ có những thông tin còn chưa được kiểm chứng.
Thông tin mới nhất chúng tôi nhận được: Ngày 2-2, Văn phòng Chính phủ có công văn gửi Thanh tra Chính phủ, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ Nông nghiệp, Công an, Tư pháp, Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC, Hội Nông dân Việt Nam, Bí thư Thành ủy và Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng về việc chuẩn bị cuộc họp vụ cưỡng chế thu hồi đất ở huyện Tiên Lãng. Theo đó, dự kiến trong tuần tới (từ 6 đến 10-2), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ chủ trì cuộc họp với một số cơ quan chức năng ở Trung ương và UBND Tp. Hải Phòng để chỉ đạo, giải quyết vụ việc cưỡng chế thu hồi đất ở xã Vinh Quang (Tiên Lãng).
Để chuẩn bị tốt cuộc họp trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Thanh tra Chính phủ, các Bộ: Tài nguyên - Môi trường, Nông nghiệp, Công an, Tư pháp theo chức năng, nhiệm vụ chủ động kiểm tra, nắm chắc tình hình và nội dung vụ việc để có ý kiến tham mưu, đề xuất với Thủ tướng. Đồng thời, Chủ tịch UBND Tp. Hải Phòng phải chuẩn bị báo cáo cụ thể, đầy đủ theo yêu cầu của Thủ tướng hôm 15-1; Ủy ban TWMTTQ Việt Nam, TANDTC, VKSNDTC và Hội Nông dân Việt Nam chuẩn bị ý kiến tham dự cuộc họp.
Kỳ sau: Cán bộ có trách nhiệm ở địa phương nói gì?
Nhóm PVĐT/Báo Công Lý

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét