Trang

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Bà Bùi Thị Minh Hằng đã về nhà

VŨNG TÀU (NV) - Bà Bùi Thị Minh Hằng, người phụ nữ nổi tiếng trong các cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội trong năm 2011, đã về đến nhà ở phường 4, thành phố Vũng Tàu vào hôm 29 tháng 4, sau 2 ngày được thả tự do từ “cơ sở giáo dục Thanh Hà,” tỉnh Vĩnh Phúc.

Trước đó, một số thân hữu thông báo trên các mạng xã hội, tới đêm 28, rạng sáng ngày 29, bà Hằng vẫn chưa có tin gì.

Những hình ảnh mới nhất của bà Hằng sau khi ra tù được mạng xã hội công bố cho thấy, “sau 6 tháng trong lao tù, chị Hằng trông ốm yếu, tiều tụy đi rất nhiều.”
Trang Blog Nguyễn Xuân Diện cho biết, bà Hằng đã về đến nhà lúc 18 giờ 15 phút, ngày 29 tháng 4. Trước khi về nhà bà Bùi Minh Hằng đã phải “làm nốt một số thủ tục tại UBND Phường 4, TP Vũng Tàu.”
Kể lại chuyến về nhà của mình trên trang Blog Nguyễn Xuân Diện, bà Bùi Hằng cho biết bà “trở về Vũng Tàu từ trại Thanh Hà trên đoàn 2 xe của trại, các xe mang biển số 31A 00068 và 30 A 8682.”
“Lực lượng áp giải gồm có công an trại giam, An ninh Hà Nội, An ninh Vũng Tàu và các thành phần ô hợp khác... Khi về đến địa phương tại trụ sở UBND Phường 4, theo quan sát thì lực lượng hỗn hợp áp giải đi trên 3 xe, tổng cộng khoảng 40 đến 50 người.”
Bà Hằng cho biết công an “đã xích tay chị trên xe trên đường từ trại Thanh Hà đến tận Hà Tĩnh mới mở xích.”
Trang Blog Nguyễn Xuân Diện, “Hiện sức khỏe và tinh thần của chị ổn định, tuy trên mình vẫn còn mang các dấu vết thương tích.”

Bà Bùi Thị Minh Hằng trong một cuộc biểu tình tại Hà Nội năm 2011. (Hình:Internet)

Lý do được trả tự do, theo bà Bùi Thị Minh Hằng cho biết, văn bản để trả bà về nhà ghi rằng: “Miễn chấp hành thời gian giáo dục còn lại đối với bà Bùi Thị Minh Hằng.”
Tiến Sĩ Nguyễn Xuân Diện, chủ trang blog Nguyễn Xuân Diện, nói rằng bà Hằng “gửi lời cảm tạ đến Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, Cụ bà Lê Hiền Ðức, các Giáo Sư Nguyễn Huệ Chi, Ngô Ðức Thọ, Chu Hảo và các nhân sĩ, trí thức, bạn bè trong và ngoài nước... đã dành cho chị tình yêu thương và chia sẻ trong những ngày tháng chị bị chính quyền Hà Nội giam giữ trái phép tại trại Thanh Hà.”
Ông Nguyễn Xuân Diện cho biết thêm, “Chị sẽ có một bức thư để gửi lời cảm ơn đến Ðại Sứ Quán Mỹ, Ðại Sứ Quán Anh, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế, các cơ quan thông tấn báo chí quốc tế: BBC, RFA, RFI, AP, AFP, Reuters,... đã theo dõi, đưa tin và lên tiếng bảo vệ chị.”
Trang blog Nguyễn Xuân Diện đưa tin khi đọc lệnh thả và “khoan hồng,” bà Hằng không chấp nhận và không ra khỏi trại.
Bà Hằng hiện đang khiếu nại quyết định đưa đi cải tạo, do Luật sư Hà Huy Sơn đại diện. Tuy nhiên, Ủy Ban Nhân Dân Hà Nội từ chối không trả lời đơn khiếu nại do không có chữ ký bà Hằng.
Bà Hằng được nhiều người biết đến vì khi đi biểu tình bà thường xuyên mặc áo dài nghiêm chỉnh.

Bà Bùi Thị Minh Hằng chỉ vết cắt trên tay, mà theo lời bạn bè, bà Hằng đã tự cắt tay trong trại. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)

Sau khi tham gia nhiều cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2011, bà Hằng bị bắt khi đứng biểu tình ở bên hông Nhà Thờ Ðức Bà, Sài Gòn, để ủng hộ những người biểu tình ở Hà Nội bị đàn áp khi họ ủng hộ đề nghị của ông Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng làm luật biểu tình.
Việc bắt giam bà Hằng suốt nhiều ngày, không ai biết bà bị giữ ở đâu. Con bà đi tìm ở nhiều cơ quan công an cũng không ai cho biết gì, thậm chí còn bị giam 2 ngày. Hơn 10 ngày sau thì “Cơ Sở Giáo Dục Thanh Hà” tỉnh Vĩnh Phúc mới gửi giấy về địa chỉ nhà bà ở Vũng Tàu nói bà bị giam ở đây 2 năm theo lệnh của nhà cầm quyền thành phố Hà Nội.
Việc bắt nhốt một người dân không qua xét xử của tòa án dù người ta chỉ hành xử quyền công dân một cách ôn hòa cho thấy “mặt trái của cái gọi là luật pháp tại Việt Nam,” Phil Robertson, phó giám đốc khu vực Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) phát biểu khi hay tin bà Hằng bị giam ở Vĩnh Phúc.
Ngày 5 tháng 1, 2012 chính phủ Hoa Kỳ qua tòa Ðại Sứ ở Hà Nội kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do cho bà Hằng.
Bà Hằng được giới blogger bầu làm “Phụ Nữ Của Năm” trong năm 2011.


Hình bà Bùi Hằng vừa ra khỏi tù cho thấy bà trông ốm yếu hơn rất nhiều so với các bức ảnh chụp bà trong các cuộc biểu tình trước khi bị bắt. (Hình: Blog Nguyễn Xuân Diện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét