Hoàn cầu Thời báo mô tả hiện tượng ‘mua vợ Việt Nam’ nảy nở ở Trung Quốc vì các lỗ hổng pháp lý tạo ra một thị trường phi pháp ‘mua sỉ’ các cô gái Việt.
Trang tiếng Anh của báo tức Global Times hôm 29/5/2012 nói đến một công ty ở Côn Minh chuyên tổ chức ‘mua chung’ (group purchase) để cung cấp vợ cho đàn ông Trung Quốc.Dù quy định của Quốc vụ viện (chính phủ) từ năm 1994 coi hoạt động kiếm lời qua môi giới hôn nhân quốc tế là phi pháp, báo Hoàn cầu nói hiện tượng này nở rộ vì đàn ông Trung Quốc đã hết hy vọng kiếm vợ trong nước.
Tuổi 18 đến 25
Với giá từ khoảng 4700 đến 6300 USD, họ có thể kiếm được “một cô dâu Việt Nam hấp dẫn, tuổi từ 18 đến 25”.
Bài báo viết rõ người ta có thể “đặt qua bưu điện” cô dâu Việt Nam hoặc “mua” từ một công ty ở Vân Nam.
Công ty môi giới hôn nhân này, có địa chỉ mạng Ynxn1314.com đóng ở thành phố Côn Minh và tổ chức các tour kiếm vợ cho đàn ông Trung Quốc.
Vẫn theo báo nước này,chi phí một chuyến đi như thế bao gồm cả phí đi đường, phiên dịch, quà cho nhà gái và tiền làm đám cưới.
Công ty này bắt khách hàng trả thêm phí chỉ có 2000 nhân dân tệ cho một chuyến đi nếu họ không hài lòng với cô dâu tương lai.
"Hôn nhân với người di dân gặp rủi ro gây ra cảnh đối xử tệ ở nơi ẩn khuất trong nhà riêng"
Andrew Billo trên Asia Society
Bị chất vấn thì đại diện công ty nói với Hoàn cầu Thời báo rằng họ không làm chuyện ‘môi giới hôn nhân phi pháp’ mà chỉ tổ chức các “chuyến đi hẹn hò” (dating tour) cho đàn ông Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhưng họ cũng nói tới 80% người đi các tour này đã tìm được vợ.
Sau bài báo trên tờ Hoàn cầu, trang Asia Society cùng ngày có bài của Andrew Billo mô tả rộng hơn hiện tượng cô dâu Việt Nam lấy chồng ngoại ở các nước trong vùng.
Với tựa đề ‘Hôn nhân qua môi giới: tìm đôi lứa hay bóc lột’, bài báo trích nguồn quốc tế nói từ 2005 - 2010 có tới 133 nghìn phụ nữ Việt Nam lấy chồng nước ngoại.
Tác giả, người đã từng sống ở Việt Nam cho tới năm 2008, lo ngại phụ nữ Việt dễ gặp rủi ro khi lấy chồng ngoại.
Các rủi ro đó gồm có nạn buôn người, bạo hành trong gia đình, và sự cô đơn vì không biết tiếng của nước họ đến sinh sống.
Bài báo nói không phải cuộc hôn nhân nào cũng là cảnh bạo hành, vì có nhiều đôi vợ chồng sau thương mến nhau, nhưng nhìn chung, các nước trong vùng, kể cả các xã hội bên nhận cũng phải có trách nhiệm về cô dâu Việt Nam.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét