BẮC KINH (TH) - Tân Hoa Xã và China Daily đồng loạt lên tiếng đe nẹt Việt Nam và Philippines là lôi kéo các nước ngoài khu vực vào cuộc tranh chấp Biển Ðông, vừa là ảo tưởng, vừa làm thiệt hại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Chiến dịch dùng báo chí đe dọa Việt Nam tiếp diễn không phải với báo chính bán chính thức mà với cả cơ quan thông tấn chính thức của nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Trang điện tử Tân Hoa Xã với bài báo đả kích Việt Nam và Phi Luật Tân của “bình luận viên giống cái” (cách gọi của báo Công An Nhân Dân) Lý Hồng Mỹ ngày Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011. (Hình: Xinhhuanet)
Bài bình luận của Lý Hồng Mai (bị báo Công An Nhân Dân ở Hà Nội hồi năm ngoái gọi là bình luận viên giống cái) viết trên Tân Hoa Xã ngày Thứ Hai, 26 tháng 9, 2011 đả kích việc Việt Nam và Philippines lôi kéo Ấn Ðộ và Nhật Bản vào cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ở Biển Ðông.
Theo bài bình luận này, Việt Nam bận rộn thương thuyết với Ấn hợp đồng dò tìm dầu khí ở biển Ðông vốn đã bốc cháy, xâm phạm vào chủ quyền lãnh thổ Trung Quốc. Một trong những lý do Ấn chen vào Biển Ðông là để đáp lại việc Trung Quốc lập vòng đai bao vây Ấn, Trung Quốc tiến vào Ấn Ðộ Dương. Một số nhà bình luận còn cho là Ấn Ðộ trả đũa lại việc Trung Quốc chen vào vùng tranh chấp Kashmir giữa Ấn Ðộ với Pakistan.
“Dù gì mặc lòng, việc Ấn Ðộ hăng hái chen vào Biển Ðông sẽ làm phức tạp thêm tình hình khu vực, gây trở ngại cho mối quan hệ Ấn-Trung đang có nhiều thử thách và ảnh hưởng xấu cho lợi ích của Ấn Ðộ.”
Ðồng thời, Tân Hoa Xã đả kích Nhật Bản cũng chen vào Biển Ðông theo kiểu “ăn miếng trả miếng” sau những lộn xộn ở quần đảo Senkaku (mà Bắc Kinh gọi là đảo Ðiếu Ngư Ðài). Nhà ngoại giao Nhật gặp viên chức Philippines rồi tuyên bố Nhật cũng có lợi ích quốc gia ở vùng biển này nên muốn khu vực “vẫn an ninh và tự do cho thương mại.”
“Không phải là một nước liên quan đến tranh chấp, Nhật Bản tham gia vào vụ tranh chấp nhiều phần sẽ làm Bắc Kinh nổi giận và thử thách mối quan hệ Nhật-Trung khi vừa có một chính phủ mới.” Tân Hoa Xã viết.
Bài báo này nói trong cuộc tranh chấp Biển Ðông, Việt Nam và Philippines nổi bật. Việt Nam từng kêu gọi ngoại quốc tham gia giải quyết tranh chấp trong khi Trung Quốc chỉ muốn thương thuyết tay đôi vì “các nước láng giềng sợ Trung Quốc ăn trùm họ cả về kinh tế và quân sự. Ðó là lý do giải thích tại sao Việt Nam lại đánh cược vào việc gọi Ấn Ðộ hậu thuẫn.”
Theo Tân Hoa Xã, Việt Nam nằm ở vị trí lý tưởng để giúp đối lực cân bằng với Trung Quốc ở Biển Ðông, cản trở Trung Quốc chiếm thế ăn trùm trên biển. Một số nhà phân tích coi đây là chiến lược của Ấn Ðộ đối đáp lại việc Bắc Kinh chen vào xóm nhà mình.
Cùng với việc đả kích Việt Nam, Tân Hoa Xã chửi Manila là tổng thống nước này vừa đến Bắc Kinh nhận lấy $13 tỉ đầu tư của Trung Quốc cùng với 20 triệu nhân dân tệ trợ giúp kỹ thuật, thì lại lôi thêm Nhật Bản vào tranh chấp Biển Ðông và mua sắm thêm máy bay, tàu chiến.
“Chiến lược lôi kéo thêm của những nước kể trên không thể gọi là ‘hợp quần’ vì họ có lợi ích khác nhau, có những toan tính chính trị và cơ hội kinh tế khác nhau.”
Lý Hồng Mai trên Tân Hoa Xã viết: “Cho dù Philippines kéo Nhật vào và Việt Nam kéo Ấn Ðộ vào với mình, đưa thêm phe thứ ba vào cuộc tranh chấp Biển Ðông cũng không sánh được với sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc ở khu vực. Ðấy là chưa nói đến việc cân bằng lực lượng và kềm chế Trung Quốc như họ toan tính.”
Bài bình luận dụ dỗ rằng các nước nhỏ của khu vực chỉ nên duy trì mối quan hệ với Bắc Kinh để hưởng lợi ích được ban phát.
Bài báo Tân Hoa Xã kết luận rằng việc Việt Nam và Philippines lôi các nước thứ ba vào vòng tranh chấp chỉ là ảo tưởng, chỉ chứng tỏ là những cố gắng vô ích.
Trong khi đó, báo China Daily, một tờ báo chính thức khác của Bắc Kinh bằng Anh ngữ thì có những lời đe dọa khác cùng một ngày.
Tờ báo này tường thuật cuộc hội thảo về tranh chấp Biển Ðông và giải pháp mà Philippines đề nghị quốc tế hóa khu vực tranh chấp, vẽ bản đồ khoanh vùng rồi hợp tác khai thác. Bài báo nói làm như vậy là không đếm xỉa gì tới chủ quyền của Trung Quốc và chỉ làm vấn đề thêm phức tạp. Ðồng thời, China Daily News cũng đả kích luôn Việt Nam mời Ấn Ðộ dò tìm dầu khí ở vùng biển tranh chấp dù bị Bắc Kinh chống đối.
“Những gì Việt Nam và Philippines đang làm chứng tỏ họ không nghiêm chỉnh coi trọng lập trường của Bắc Kinh. Họ cũng không coi trọng chính lời cam kết của họ là tránh làm căng thẳng thêm sự tranh chấp cũng như tăng cường mối quan hệ với Trung Quốc.” China Daily kết luận. “Do vậy, thiện chí duy trì mối quan hệ thân hữu của Trung Quốc với hai nước này có nên tiếp tục bị lợi dụng, hay sự thay đổi đối xử đột ngột đó cần phải ghi nhớ.”
Trung Quốc cướp quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam năm 1974 rồi cướp tổng cộng 7 bãi đá ngầm ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam và Philippines hồi thập niên 1980 và đầu thập niên 1990, nay ngang nhiên thì tuyên bố chủ quyền đến 80% Biển Ðông, bao gồm hai quần đảo vừa kể. (TN)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét