Trang

Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

Những căng thẳng với Trung Quốc gợi lại cuộc tranh luận về chiến tranh Việt Nam

Ian Timberlake (AFP)
Lê Quốc Tuấn. X-CafeVN chuyển ngữ
TP.HỒ CHÍ MINH - Gần bốn thập niên sau khi kết thúc một cuộc chiến đã chia hai Việt Nam, một cuộc tranh luận về hòa hợp hoà giải dân tộc giữa các kẻ thù cũ đã nhen nhóm trở lại từ những căng thẳng với Trung Quốc.
Bất chấp các chính sách của chính phủ nhằm khuyến dụ các đối thủ thời chiến của mình, những người có liên quan đến chế độ dược Mỹ ủng hộ ở miền Nam Việt Nam - nhiều người đã chạy trốn ra nước ngoài -vẫn còn cảm thấy sự kỳ thị của chính quyền cộng sản.
Nhưng cơn giận dữ gần đây trước nhận thức về sự xâm lược của Bắc Kinh trong vùng lãnh thổ ở Biển Nam Trung Hoa đã dẫn đến một sự công nhận công khai chưa từng có của những người chiến sĩ ở miền Nam, những người từng đứng lên chống trả lại người hàng xóm của đất nước khổng lồ phương bắc.
Việt Nam, từng có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền nơi có khả năng phong phú về dầu mỏ ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đã phản đối Trung Quốc về những gì được mô tả như sự quấy nhiễu tàu bè của mình trong vùng biển tranh chấp.


Sự việc này đã làm dấy lên tình cảm yêu nước và những người biểu tình vào tháng Bảy tại Hà Nội - cái nôi lịch sử của chế độ công sản miền Bắc - đã giương cao danh sách danh tính của 74 người lính quân đội Nam Việt Nam đã hy sinh trong một trận chiến vào năm 1974 với các lực lượng Trung Quốc tại quần đảo Hoàng Sa.
Đó là lần đầu tiên "có một sự vinh danh" cho những người lính ở miền Nam, vốn là điều bất thường đối với chế độ độc tài ở Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Diện, một học giả Hà Nội, người tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc cho biết.
"Tôi nghĩ rằng nhà nước Việt Nam đã phải nên làm như thế trước người dân", ông Lê Hiếu Đằng, 67 tuổi, một cán bộ cộng sản hoạt động bí mật ở miền Nam Việt Nam trong thời chiến tranh hiện đang làm việc với Mặt trận Tổ quốc Thành phố Hồ Chí Minh, một liên minh liên kết các tổ chức xã hội khác của chính phủ đã nói.
Cảm hứng từ các hành động tại Hà Nội, ông và các trí thức khác trong TP. Hồ Chí Minh, trước đây là Sài Gòn, đã tổ chức lễ tưởng niệm của mình đến mọi người Việt Nam "đã hy sinh cho sự toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc" trong cuộc chiến chống lại Trung Quốc.
Một cựu quân nhân hải quân miền Nam Việt Nam từ cuộc chiến tại quần đảo Hoàng Sa cho biết sự ghi nhận này là "một tín hiệu rất tốt".
"Những chiến sĩ này đã chết để bảo vệ đất nước chứ không phải để bảo vệ chế độ Sài Gòn".
Tại ngoại vi thành phố Hồ Chí Minh có một nghĩa trang chôn cất các mộ phần của hàng trăm người hy sinh trong chiến tranh của miền Nam Việt Nam.
Các đơn vị quân đội Cộng sản đóng tại vùng nghĩa địa sau chiến tranh đã được rời đi trong những năm gần đây và công chúng đã được phép kín đáo đến thăm viếng thương tiếc.
Tuy nhiên, khu nghĩa trang không giống như một đài tưởng niệm chiến tranh chính thức - các chắm sóc không thường xuyên đã không ngăn chặn được cỏ dại mọc cao che lấn, một số mộ phần có người chăm sóc thì được trang trí bằng hoa tươi đẹp, trong khi các ngôi mộ khác bị rêu phủ và đổ nát.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, một cựu thành viên của chính quyền Sài Gòn đã chạy trốn sang Hoa Kỳ vào ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh vào năm 1975, nói rằng chính quyền nên biến khu nghĩa trang thành một khu tưởng niệm chính thức để có thể thu hút các cựu chiến binh cũ.
"Bất cứ ai có thể thay đổi được điều này và mang lại được một bài phát biểu tại lễ khai mạc có sự tham dự của những người đáng kính ở cả hai phía của cuộc xung đột sẽ có vị trí của mình được lịch sử bảo đảm", ông Hùng thuộc trường Đại học George Mason ở Washington đã tuyên bố.
Ông nói rằng đất nước không thể có hoà hợp hòa giải thực sự là khi những người từng chiến đấu cho miền Nam tiếp tục bị xem như những "tay sai bán nước của Mỹ", chứ không phải là những người từng chiến đấu trong ý nghĩa của "một cuộc chiến tranh dân sự".
Sau khi kết thúc chế độ thực dân Pháp vào năm 1954, đất nước đã bị chia thành miền bắc cộng sản và miền nam được Mỹ hậu thuẫn cho đến ngày 30 tháng tư năm 1975 khi các lực lượng miền Bắc chiếm lấy Sài Gòn.
Khi chiến tranh kết thúc, hàng trăm ngàn người đã liều thân để đào thoát bằng thuyền. Họ gia nhập nên một cộng đồng người Việt Nam mà hiện nay tổng số là khoảng 4 triệu người, nhiều người trong số đó là ở Mỹ, Úc và châu Âu.
Mãi đến năm 2004 chính phủ mới ghi nhận những người Việt Nam bỏ xứ này - gọi họ là "Việt Kiều" - như một phần không thể tách rời của dân tộc.
Khi di chuyển ngày càng gần gũi hơn với kẻ thù Mỹ trước đây, đất nước đã thực hiện các chính sách nhằm thu hút tài năng và vốn nước ngoài bao gồm cả quyền sở hữu tài sản, miễn thị thực và chế độ song tịch.
Một nữ phát ngôn viên của chính phủ cho biết rằng các biện pháp được áp dụng với "tất cả người Việt Nam định cư ở nước ngoài bất kể là họ đã làm việc cho chế độ trước đó hay không", bà còn nói thêm rằng các Việt Kiều đã đóng góp đáng kể vào sự phát triển của đất nước.
Nhưng ông Đằng ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết một loại luật bất thành văn đã loại trừ những ai từng có liên hệ với chính phủ miền Nam Việt Nam trở thành đảng viên Đảng Cộng sản. Điều này có hiệu quả là ngăn cản họ không thể làm việc được ở bất cứ nơi nào ngoại trừ ở những mức thấp nhất của các dịch vụ dân sự hoặc nhiều công ty thuộc sở hữu nhà nước.
Một bức thư ngỏ gởi cho chính phủ được ký bởi 38 nhà khoa học và các chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài vào tháng trước cho biết vẫn còn mối "nghi ngờ và mất lòng tin rộng rãi" của họ trong giới lãnh đạo của Việt Nam.
Đề cập đến Trung Quốc, lá thư ngỏ cho biết: "Đất nước và nhân dân Việt Nam đang đòi hỏi các nhà lãnh đạo của mình phải phát huy thế mạnh của quốc gia và sự thống nhất giữa toàn dân, trong và ngoài nước, để đáp ứng với mối nguy hiểm hiện nay".
Ông Đằng cho biết là cả hai phía phải khẩn thiết làm việc để vượt qua sự nghi ngờ của mình, nếu không "chúng ta sẽ không thể tạo ra sức mạnh" để chống lại quyền lực của Bắc Kinh.
"Chiến tranh đã kết thúc hơn 30 năm nhưng các vấn đề hòa hợp hoà giải dân tộc vẫn còn là một vấn đề sôi bỏng", ông nói.
Nguồn: AFP

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét