Trang

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

Bức tranh Việt Nam qua wikileaks

Vu Kiem Minh
September 24, 2011
0 Bình Luận
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Madeleine Albright đang bắt tay một quan chức ngoại giao Việt Nam với Đại sứ Pete Peterson đứng cùng phía bà hồi tháng Chín năm 1999.
Các điện tín mà Wikileaks công bố bắt đầu từ thời Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên ở Việt Nam Pete Peterson, người đứng cạnh cựu Ngoại trưởng Madeleine Albright

Hơn 3000 bức điện gửi đi từ Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh trong vòng 10 năm với bốn đại sứ Hoa Kỳ khác nhau đã vẽ lên một bức tranh nhiều màu về Việt Nam hiện đại.
Các điện tín do Wikileaks công bố cũng cho thấy quan điểm của Washington đối với Việt Nam sau khi quan hệ được bình thường hóa.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đi khắp mọi nơi, gặp đủ mọi loại người trong xã hội và gửi về Bộ Ngoại giao điện tín về mọi vấn đề.
Họ tới các quán bar, karaoke và vũ trường ở Hà Nội để gửi về điện tín “Sex and the City” tạm dịch “Tình dục và thủ đô”.
Họ vào các quán sách để đánh đi điện tín những cuốn sách nào không có mặt ở Hà Nội.
Họ gặp con trai cố Tổng Bí thư Lê Duẩn để tìm hiểu về cuộc chiến chống tham nhũng.
Họ gặp các nhà báo và nói chuyện về tự do ngôn luận.

Họ gặp những người khác quan điểm với chế độ để hỏi ý kiến của họ về tự do chính trị tại Việt Nam.
Họ cũng yêu cầu phía Việt Nam tăng địa bàn hoạt động của Lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh để nhân viên ngoại giao có thể tới nhiều tỉnh thành của Việt Nam hơn.
Thậm chí Hoa Kỳ còn gắn việc mở Lãnh sự quán Việt Nam ở Houston với việc mở rộng địa bàn hoạt động của Lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh.
Về mặt tích cực, bức tranh chung về Việt Nam có thể thấy qua các điện tín là một xã hội ngày càng cởi mở hơn, đời sống vật chất khấm khá hơn và cơ hội làm ăn cho các doanh gia ngày một nhiều.
Về mặt tiêu cực, các nhà lãnh đạo Việt Nam quá nặng về kiểm soát thay vì cung cấp dịch vụ cho người dân, quá chú ý tới hình thức mà ít để ý tới nội dung và quá quan tâm tới lợi ích của Đảng trong khi thiếu tính bao dung với dân chúng.
‘Vật cản’
Trong các cuộc nói chuyện với Hoa Kỳ, một số nhà lãnh đạo ở các cấp và các tỉnh thành của Việt Nam có vẻ mong muốn đẩy nhanh tốc độ cải cách trong đó có cải cách chính trị.
Nhưng những người ủng hộ cải cách chính trị, Washington nhận định, chỉ là “thiểu số” và sự phát triển ở Việt Nam trong lĩnh vực này sẽ tiếp tục trì trệ.
Điện tín đánh đi hôm 22/1/2007 từ Lãnh sự quán ở thành phố Hồ Chí Minh nhận định sau cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Đà Nẵng Trần Văn Minh [hiện là Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng]:
“So sánh sự phát triển của Đà Nẵng với giao thông hỗn độn ở Việt Nam, Chủ tịch Minh nói với Phó Tổng lãnh sự rằng không giống như ở phương Tây, nơi lái xe có thể nhấn ga và phóng như bay trên xa lộ thẳng tắp, ở Việt Nam lái xe phải “thông minh và bẻ bánh lái quanh những vật cản trên đường phố.”
Trong điện tín Hoa Kỳ cũng thể hiện mong muốn Việt Nam có những nhân vật có đầu óc cởi mở trong chính quyền để họ có thể hợp tác và giúp Việt Nam phát triển.
Vai trò của Đảng
Đông đảo bạn trẻ tham gia biểu tình chống Trung Quốc ở Hà Nội hôm 14/8Hoa Kỳ nói thế hệ trẻ đại diện cho tương lai của Việt Nam trong khi thế hệ già vẫn còn nặng về quá khứ
 

Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ có vẻ nhận định Đảng Cộng sản là người hãm phanh các cải cách và các mối quan hệ của Việt Nam đối với phương Tây.
Nhiều điện tín nói về sự “ám ảnh” của Đảng Cộng sản với “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến.”
Họ cũng nói về mối nghi ngờ của các quan chức cao cấp của Đảng đối với Washington.
Nhưng một điện tín do Đại sứ Michael Michalak gửi về hồi tháng Bẩy năm 2009, thời điểm xảy ra vụ bắt giữ một số nhà hoạt động trong đó có luật sư Lê Công Định, đánh giá rằng lãnh đạo về phía Đảng và về phía Nhà nước cũng chia sẻ mối lo ngại chung về những nhóm, những nhân vật có thể làm chế độ lung lay.
Washington nói Đảng và chính quyền có vẻ hay giương gậy để trấn áp những công dân không nghe lời của chính mình mỗi khi có những đợt tạm lắng trong đó họ chưa hoặc không cần tới “củ cà rốt” của Hoa Kỳ và phương Tây.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ xem giới lãnh đạo đã già của Việt Nam là đại diện cho quá khứ trong khi những người trẻ tuổi đại diện cho tương lai.
‘An ninh trị’
Một trong các điện tín đánh đi từ Hà Nội cũng dùng từ “Securocrat” tức “An ninh trị” để gọi các nhà lãnh đạo Việt Nam.
Nhiều bức điện khác nhau kể lại chuyện Bộ Công an đã đưa ra những cáo buộc về chuyện các nhà ngoại giao Hoa Kỳ gặp gỡ “bí mật” hay “khuyến khích” các nhân vật “chống nhà nước”.
Các câu trả lời của phía Hoa Kỳ luôn là họ đi tới đâu cũng có sự đồng ý hoặc giám sát của phía chính quyền hay công an Việt Nam và không thể có chuyện “bí mật” gặp gỡ.
Và Hoa Kỳ luôn bảo vệ quyền gặp mọi đối tượng thuộc mọi giới trong xã hội Việt Nam.
Về sự nghi kỵ và giám sát của phía Việt Nam đối với Hoa Kỳ, điện tín “How not to make friends”, tạm dịch “Những việc không nên làm khi kết bạn” đã kể chi tiết việc công an Việt Nam “bám đuôi” và cản trở các cuộc gặp của phái đoàn từ Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ ở Việt Nam hồi năm 2002.
Điện tín nhận định “Những cố gắng của Chính phủ Việt Nam, mà về căn bản họ không giấu diếm, để kiểm soát phái đoàn để lại ấn tượng tồi tệ hơn về Việt Nam so với nội dung của các cuộc gặp mà Chính phủ Việt Nam có vẻ quá lo ngại.”
Những cố gắng của Chính phủ Việt Nam, mà về căn bản họ không giấu diếm, để kiểm soát phái đoàn để lại ấn tượng tồi tệ hơn về Việt Nam so với nội dung của các cuộc gặp mà Chính phủ Việt Nam có vẻ quá lo ngại.
Những cố gắng này bao gồm việc an ninh Việt Nam “bám đuôi” và vờ vào lễ chùa để nghe các cuộc nói chuyện, sách nhiễu những người muốn hay đã gặp phái đoàn, đề nghị phái đoàn đi xe của phía Việt Nam (và yêu cầu phải trả tiền) hay bố trí thật nhiều cuộc gặp chính thức để phái đoàn không còn thời gian gặp những nhân vật họ muốn gặp.
Năm năm sau đó, một điện tín mật hồi tháng Tư năm 2007 nói “cố gắng lần thứ hai của Đại sứ [Michael Marine] nhằm tổ chức một sự kiện tại nhà riêng với gia đình của các nhà bất đồng chính kiến chính trị đã bị cảnh sát ngăn chặn.”
“Bốn trong số năm người được mời đã hoặc bị ngăn không cho rời nhà hoặc bị giữ ở đồn công an để họ không đến được nhà Đại sứ.”
Bệnh ‘hình thức’
Một số bức điện mật trải dài trong các năm khác nhau cũng đề cập tới mối quan tâm quá nhiều tới hình thức ở Việt Nam và ít quan tâm tới nội dung.
Khi bà Hillary Clinton tháp tùng Tổng thống Bill Clinton Hà Nội hồi cuối năm 2000 và muốn có tọa đàm với các phụ nữ Việt Nam, phía Việt Nam quan tâm nhiều hơn tới hình dạng của chiếc bàn, vị trí bà Clinton sẽ ngồi, số đại biểu mỗi bên tham dự và chỗ họ sẽ ngồi hơn cả nội dung mỗi bên sẽ nói.
Bà Hillary Clinton và con gái Chelsea trong chuyến thăm Việt Nam hồi tháng 11 năm 2000Phía Hoa Kỳ “kinh ngạc” khi Việt Nam sẵn sàng chấp nhận khả năng sẽ không có tọa đàm giữa bà Clinton với phụ nữ Việt Nam hồi năm 2000 chỉ vì chiếc bàn và vị trí ngồi của chủ và khách

Điện tín hồi tháng Mười Hai năm 2000 nói những tranh cãi kéo dài quanh những vấn đề này khiến đại diện của bà Clinton nói với phía Việt Nam rằng ông đã gần tới nước phải hủy tọa đàm và sẽ tổ chức một sự kiện riêng cho bà Clinton mà không có sự tham gia của phía chính quyền.
Việc Việt Nam không muốn bà Clinton ngồi ở trung tâm bàn tọa đàm hình bán nguyệt mà chia sẻ vị trí này cùng một đại diện Việt Nam khiến phía Hoa Kỳ nhận định:
“Thật đáng kinh ngạc, phía Chính phủ Việt Nam sẵn sàng chấp nhận khả năng cuộc tọa đàm về các vấn đề phụ nữ sẽ bị hủy chỉ vì vấn đề tượng trưng là bà không được ngồi ở giữa bàn.
“Điều này nhắc người ta nhớ lại những tranh cãi kéo dài nhiều tháng về hình dạng chiếc bàn trong Hòa đàm Paris cách đây nhiều thập niên.”
Giọng văn trong các điện tín mật của Hoa Kỳ có vẻ cho thấy Washington dường như đã thực sự quên đi Cuộc chiến Việt Nam để “bắc cầu qua dòng sông đau khổ” như lời Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Douglas Pete Peterson tuyên bố khi tới Hà Nội hồi năm 1997.
Những thông điệp mà các nhà ngoại giao Mỹ gửi đi từ Việt Nam thường đánh giá cao mong muốn hợp tác với Hoa Kỳ của phía Việt Nam và đề nghị Washington có những động thái để quan hệ song phương có chiều sâu hơn, chẳng hạn không đưa Việt Nam vào danh sách Các nước Cần quan tâm Đặc biệt về tôn giáo CPC.
Và trong khi Việt Nam xem các động thái của Hoa Kỳ liên quan tới nhân quyền là “sự can thiệp vào nội bộ”, các điện tín cho thấy kẻ cựu thù của Việt Nam chỉ đơn giản coi đó là việc bảo vệ những quyền con người căn bản nhất – quyền được có quan điểm và nói ra quan điểm, quyền được tự do đi lại, tự do tín ngưỡng, tự do lập hội và hội họp.
Các điện tín của Hoa Kỳ cũng nói họ thấy có sự khác biệt rõ rệt giữa cách suy nghĩ của các nhà lãnh đạo hiện nay và của thế hệ trẻ ở Việt Nam, những người vẫn được gọi là “thế hệ a còng”.
Nhưng giới ngoại giao Hoa Kỳ không nhất thiết xem đây là điều tiêu cực.
Ngược lại họ coi đó là dấu hiệu cho thấy những thay đổi theo hướng tích cực ở Việt Nam sẽ xảy ra trong tương lai.
NGUỒN: BBC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét