Trang

Chủ Nhật, 13 tháng 11, 2011

Nhân vụ Thái Hà, nói về đoàn kết lương giáo

Phạm Văn Cường
Tôi không phải là người công giáo, mẹ tôi lúc còn sống chỉ chăm đi lễ chùa (Hội vãi già). Nên trong hồ sơ lý lịch của tôi trước kia ở mục khai về tôn giáo được ghi là: Tôn giáo: Lương (hay: Tôn giáo: Không). Theo cách hiểu của nhiều người (trong đó có tôi), tôn giáo lương thường hàm nghiã không theo một tôn giáo nào. Để phân biệt với những người theo Công giáo (Thiên Chúa giáo – gọi tắt là giáo).
 Ở vùng quê tôi (xứ Đoài), thời trước 1945, nghe nói có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa bên lương và bên giáo. Tiêu biểu là vùng Trúc Sơn (Huyện Chương Mỹ, Hà Đông – nay là ngoại thành Hà Nội) cả hai bên đều đua nhau xây chùa và nhà thờ cao hơn… chuyện này chỉ chấm dứt sau mùa thu 1945. Bên cạnh làng tôi, làng Giang Xá và Thị trấn Phùng, với các tháp chuông nhà thờ cao lớn khang trang, chả có ngôi chùa hay đình nào có thể sánh kịp. Thế mà làng tôi thì cả làng chỉ có mỗi một gia đình duy nhất theo đạo Thiên Chúa. Đó là gia đình nhà bà bác họ thúc bá với tôi. Ông bố chồng bà bác tôi (họ Phí – cùng họ với đạo diễn Phí Tiến Sơn – phim Truyện bây giờ), là một gia đình rất khá giả, có vai vế ở làng. Trong một lần tế lễ ở Đình Đụn, ông cụ quên không đi giật lùi trước ban thờ Thánh, như thế là “thất lễ”, bị làng phạt vạ rất nặng. Tức qúa ông tuyên bố ly khai với đình làng theo Thiên Chúa giáo. Làng không có nhà thờ, một mình ông xây nhà thờ riêng ngay sau mảnh đất rộng (của ông) sau đình. Lại đào một cái ao khá lớn sát hậu cung, làm khuyết Huyền (lưng tựa) ngôi Đình Đụn của làng. Chính cái ao này đã làm cho cả làng nổi giận, âm thầm hẹn nhau nửa đêm đánh trống khua chiêng đồng khởi tấn công san bình địa ngôi nhà thờ mới xây. Vụ việc được thưa lên quan Tây. Nhưng dù có thiên vị cho người đâm đơn (đồng đạo) thế nào, toà án ở Hà Đông của Thực dân Pháp cũng buộc phải xử hoà. Vì chả nhẽ kết tội và bỏ tù cả làng?
Trong CCRĐ, nhà bà bác họ tôi bị qui địa chủ, gia đình người con cả của bác đã vào Nam năm 1954 thì thoát, còn người con thứ hai phải uống thuốc ảnh tự tử để lại một vợ trẻ và hai đứa con thơ. Toàn bộ mấy chục mẫu ruộng vườn trại và nhà cửa khang trang bị tịch thu chia cho bần cố nông. Chiếc ao sau đình cũng được chia cho 4 gia đình. Khi tôi còn nhỏ chỉ nhận biết được dấu tích của ngôi thánh đường còn lại là ở cái nền xi măng nhô lên cao và nhẵn thín, nơi chúng tôi hay trèo lên đó chơi ô ăn quan và chơi bi cùng đám bạn đồng lứa.
 Như vậy trong xã hội Việt Nam trước đây, mâu thuẫn lương giáo là hoàn toàn có thật.
 Theo giáo sư Trần Quốc Vượng:
 “… thoạt kỳ thủy đạo Thiên Chúa được truyền bá vào Việt Nam thì nó lại được sự hưởng ứng trước hết của những người nghèo, trước hết là dân chài, những người bị gạt ra ngoài lề của xã hội quân chủ Nho giáo và những người bình dân nghèo khổ.
 Đi thực tế điền dã và điều tra hồi cổ ở miền Bắc Việt Nam, tôi nhận thấy các cộng đồng Thiên Chúa Giáo Việt Nam được phát triển trước hết ở vùng ven biển, các cửa sông tập trung nhiều dân chài và dọc các sông thành những vạn chài. Do nhu cầu tâm linh, dân chài có nhu cầu tôn giáo, nhu cầu cùng quảy…
 Thế mà, từ đại triều đình Thăng Long, đến các tiểu triều đình ở làng xã Việt Nam ngày trước, họ đều gạt dân chài ra rìa không những các sinh hoạt xã hội cộng đồng, mà cả các sinh hoạt tôn giáo cộng đồng.
 Ngày Tết, là lễ hội lớn nhất của người Việt ngày xưa chẳng hạn, người ta chỉ cho phép dân chài lên ĐÌNH lễ thần sau ngày mồng 5 Tết và sau “thằng Mõ”. Mõ là kẻ “ngụ cư” có thân phận thấp kém nhất làng, không ai ngồi với mõ. Thế mà dân chài còn dưới mõ nữa, hỏi sự “dồn nén tâm linh” phải “ức” đến đâu. Thế cho nên, theo lời các dân chài thi tín đồ Công Giáo và dân cầy nghèo ven sông (tôi đi điều tra chủ yếu dọc sông Cầu, dọc sông Đáy là hai “đường viền” đông bắc và tây nam của đồng bằng Bắc Bộ), khi đạo Thiên Chúa được truyền bá đến với lý tưởng Bác Ái và tình “huynh đệ phổ quát”, dân chài và dân cầy nghèo, “cùng đinh” của làng xã và xã hội quân chủ Nho giáo lập tức theo Công Giáo ngay, và sẵn tiền (dân chài có nhiều của hơn nông dân, do đánh cá và buôn bán trao đổi), xây nhà thờ Công Giáo (“những nhà thờ vạn”, nhà thờ của dân chài) to đẹp hơn đình làng và đối địch với đình làng.
 Đạo Thiên Chúa vào Việt Nam ngày ấy có tác dụng giải tỏa dồn nén những người cùng đình và dân chài Việt Nam, những người ở vị thế bên lề.” (*)
 Theo ý kiến của cụ Hồ (Chí Minh), sở dĩ có sự mẫu thuẫn này là do:“âm mưu của kẻ thù luôn tìm cách chia rẽ đồng bào lương giáo” (**)
 Nay nghe thấy chuyện “quần chúng tự phát” mà nhiều người phản ảnh là hành xử kiểu côn đồ ở khuôn viên nhà thờ Thái Hà vào chiều ngày 3/11/2011 vừa rồi không biết có phải là “âm mưu của kẻ thù” như lời Cụ Hồ nói để “tìm cách chia rẽ lương giáo” hay không? Xin nhường cho những ai thông hiểu sự việc này phân tích dùm.
………….
(*) Trong Cõi – GS. Trần Quốc Vượng – Bài 13: Dân gian và bác học: Trang 184 -185; Nhà xuất bản Trăm Hoa - USA – 1993
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét