Trang

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

Việt Nam cấm bán đô la cho tiệm vàng

Dân hoang mang vì tin đồn phá sản, sáp nhập

VIỆT NAM (TH) -Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam cho hay sẽ tịch thu tang chứng và phạt ít nhất 2,500 đô la những ai bán đô la cho tiệm vàng.


Bán ngoại tệ không đúng chỗ, bị khép tội hình sự. (Hình minh họa của báo Tuổi Trẻ)


Qui định này thật ra đã có từ lâu nhưng bị vô hiệu hóa bởi thực tế cuộc sống. Nay đến lúc xiết, Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam bèn nhắc lại lệnh cấm bán đô cho các tiệm vàng ở trong nước.

Trả lời phỏng vấn của báo Tuổi Trẻ, ông phó giám đốc Ngân Hàng Nhà Nước tại Sài Gòn - Nguyễn Hoàng Minh cho biết Sài Gòn hiện có hàng chục quầy thu đổi ngoại tệ đặt nhan nhản tại các khách sạn siêu thị, phi trường, trung tâm thương mại, siêu thị...
Tuy nhiên, rất nhiều người dân không muốn đến những địa điểm này mà chỉ thích bán đô cho các tiệm vàng vì giá mua của họ cao hơn giá của ngân hàng mà thủ tục mua bán cũng giản dị, nhanh chóng và không đòi hỏi phải xuất trình giấy tờ lôi thôi.
Cho rằng các tiệm vàng được tự do mua bán ngoại tệ sẽ ôm một lượng lớn ngoại tệ trong tay dễ dàng gây nên những cơn sốt giá làm đảo lộn thị trường vàng và ngoại tệ, Ngân Hàng Nhà Nước (NHNN) tại Sài Gòn từng đề nghị cấm và không cấp giấy phép đổi ngoại tệ cho các tiệm vàng.
Báo Tuổi Trẻ trích lời của ông Nguyễn Hoàng Minh xác nhận rằng kể từ tháng 11 này, những người bán đô la cho các tiệm vàng không có giấy phép thu đổi ngoại tệ sẽ bị tịch thu và còn bị phạt ít nhất 2,500 đô.
Theo dư luận, đây là động tác thứ ba xiết thị trường ngoại tệ tiếp theo bước đầu tiên hạn chế số ngoại tệ tiền mặt mang theo của người xuất cảnh. Theo qui định này, kể từ tháng 10 năm 2011 trở đi, mỗi cá nhân xuất cảnh chỉ được phép mang theo khoản ngoại tệ tương đương 5,000 đô la Mỹ. Khoản ngoại tệ được phép mang đi trước đó là 7,000 đô la mỗi người.
Ðộng tác thứ hai xiết chặt thị trường ngoại tệ của nhà nước Việt Nam là việc buộc phải mua bán ngoại tệ thông qua ngân hàng. Theo qui định này, mỗi cá nhân chỉ được phép mua tối đa khoảng 1,000 đô la mỗi ngày khi xuất cảnh, theo cách tính mỗi ngày xài 100 đô và thời gian lưu trú ở ngoại quốc ấn định là 10 ngày.
Báo Tuổi Trẻ cũng cho biết, kể từ đầu năm 2011 cho đến nay, công an tại Sài Gòn đã rình bắt 54 vụ mua bán ngoại tệ “ngoài qui định” và đã truy tố 7 vụ, coi như tội phạm hình sự.
Dư luận cũng cho rằng các biện pháp lùng sục, rình rập hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường ngầm, đồng thời với việc kiểm soát hoạt động công khai của nhà nước Việt Nam nhằm nắm chặt nguồn ngoại tệ trong tay. Các biện pháp này gây khó khăn ít nhiều cho người dân, đặc biệt là những người có con em du học ở ngoại quốc, bởi vì mua ngoại tệ ở các ngân hàng không dễ chút nào.
Gần đây, người ta còn hoang mang về tin đồn các ngân hàng thương mại trong nước có nguy cơ phá sản hàng loạt vì vỡ nợ, vì hệ thống tín dụng đen sụp đổ, vì tham nhũng của các cán bộ điều hành ngân hàng mà nhà nước không có khả năng cứu vãn. Tin đồn càng lan nhanh, người dân càng lo lắng về khoản tiền gửi tại ngân hàng có nguy cơ mất trắng.
Cũng mới đây, nhà nước Việt Nam còn tuyên bố không bảo đảm giá trị tiền gửi bằng ngoại tệ và vàng khiến người dân thêm sốt vó.
Trong khi đó, cách nay 2 năm, ngân hàng nhà nước Việt Nam cũng đã dọa sáp nhập các ngân hàng “không đủ điều kiện hoạt động,” đặc biệt là điều kiện vốn tối thiểu. Từ cuối năm 2008, đã có 9 ngân hàng thương mại được coi là không đủ vốn hoạt động là Ngân hàng Ðệ Nhất, NH Gia Ðịnh, NH Thái Bình Dương, NH Mỹ Xuyên, NH Xăng dầu Petrolimex, NH Kiên Long, NH Việt Nam Thương Tín, NH Ðại Tín, NH Ðại Á.
Dù đã bị dọa nhưng tình thế đó vẫn chưa xảy ra và người ta không đoán được liệu chừng nào thì xảy ra. (P.L.)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét