Hữu Nguyên
Một trong những nội dung đáng chú ý trong Thỏa thuận những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc mà lãnh đạo cấp cao hai nước vừa ký kết đã xác định: “Trong tiến trình tìm kiếm giải pháp cơ bản và lâu dài cho vấn đề trên biển, trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, đối xử bình đẳng, cùng có lợi, hai bên bàn bạc thảo luận về những giải pháp mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường và chủ trương của hai bên, bao gồm việc tích cực nghiên cứu và bàn bạc về vấn đề hợp tác cùng phát triển theo những nguyên tắc đã nêu tại điều 2 của Thoả thuận này”.
Với nội dung này, hai bên đã đưa ra khả năng về một giải pháp mang tính quá độ đối với các khu vực tranh chấp, bao gồm cả việc hợp tác cùng phát triển theo nguyên tắc đã nêu ở điều 2 của Thoả thuận, nghĩa là căn cứ vào luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982. Giải pháp quá độ tạm thời, hợp tác cùng phát triển là phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế. Dàn xếp tạm thời về “hợp tác cùng phát triển” được khuyến nghị trong Điều 74 và Điều 83 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Theo đó, các quốc gia khi chưa tìm được giải pháp phân định thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế thì có thể thoả thuận về các dàn xếp tạm thời mang tính thực tiễn; các dàn xếp tạm thời không làm phương hại đến kết quả phân định cuối cùng.
Tuy nhiên, ngay sau khi Thỏa thuận được ký kết, Trung Quốc vẫn tiếp tục đưa ra yêu sách “đường lưỡi bò” để đòi hỏi “chủ quyền không thể tranh cãi” của nước này trên hầu như gần trọn Biển Đông. Về lai lịch của “đường lưỡi bò” thì chính các học giả Trung Quốc đều biết rõ là tại các Hội thảo quốc tế về Biển Đông ở Hà Nội (2009) và Thành phố Hồ Chí Minh (2010) cũng như tại các Hội thảo quốc tế khác, nhiều học giả quốc tế đã chỉ rõ yêu sách “đường lưỡi bò” là mơ hồ, không có cơ sở và cho rằng Trung Quốc cần phải giải thích rõ bản chất pháp lý của các vùng biển trong “đường lưỡi bò” đó. Nhưng cho đến nay, cả chính giới lẫn học giả Trung Quốc đều không thể đưa ra các câu trả lời thỏa đáng.
Tham chiếu các quy định của Công ước Luật Biển năm 1982 mà Trung Quốc cũng là một bên tham gia thì ai cũng thấy rằng yêu sách “đường lưỡi bò” hoàn toàn trái với các quy định của Công ước. Không một quy định nào của Công ước có thể biện minh cho yêu sách “đường lưỡi bò”. Đơn giản bởi vì vùng biển mà “đường lưỡi bò” ngoạm vào không thể nào là lãnh hải hoặc vùng đặc quyền kinh tế hoặc là thềm lục địa của Trung Quốc. Đó chính là vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia và Brunei. Yêu sách “đường lưỡi bò” phi lý nói trên đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của 5 nước ASEAN đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Chính vì vậy, mà Việt Nam, Malaysia, Indonesia và Philippines đã lần lượt gửi công hàm đến Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” của Trung Quốc. Việc nước này vẫn tiếp tục đưa ra yêu sách phi lý nói trên và tiến hành các việc làm trên thực địa nhằm đơn phương áp đặt yêu sách này càng làm cho tình hình Biển Đông trở nên phức tạp hơn, gây lo ngại thực sự cho cộng đồng thế giới và buộc dư luận phải lên tiếng. Không chỉ các quốc gia liên quan tranh chấp ở Biển Đông mà dư luận của nhiều quốc gia khác cũng đã bày tỏ ý kiến bất bình trước yêu sách đầy phi lý này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét