Trang

Thứ Tư, 14 tháng 12, 2011

Đảng: bộ tộc thứ 56



Vũ Thế Phan (danlambao) "… Một đất nước với tài nguyên trù phú nhưng, bởi vướng nghiệp mệnh chi đó, tuyệt đại đa số dân cư chủ nhân vẫn thà sống trong nghèo khó mà lơ mơ theo huyễn mộng thiên đàng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hy sinh nuôi cùng lúc đến hai chính phủ công bộc bạo với quen, hèn với lạ. Chính phủ đảng nhân danh chủ nhân ngồi trên đầu chính phủ chính quyền. Chính phủ chính quyền nhân danh chủ nhân ngồi trên đầu Quốc hội. Quốc hội thì chỉ biết hoặc bấm nút và vỗ tay hoặc nhân danh chủ nhân... mơ giữa ban ngày!"

[Tề Hoàn Công đọc sách ở nhà trên. Ông già Biển đang đẽo bánh xe ở dưới thềm, bỏ dùi và đục, bước lên hỏi:

- Tôi xin phép hỏi Chúa công đang đọc những lời gì vậy?

Tề Hoàn Công đáp: 

- Ta đọc những lời nói của thánh nhân.
- Thế thì những lời nói mà Chúa công đọc chỉ là cặn bã của cổ nhân (cổ nhân tao phách).

- Ta đọc sách, ngươi là kẻ gọt đẽo bánh xe mà cũng dám bàn đến! Nếu lập luận có lý thì được, nhược bằng không, ngươi sẽ chịu tử hình!

Lão Biển đáp:

- Thần xin lấy việc làm của thần để xét đoán: đẽo bánh xe, nếu chậm tay, nhát dìu ngọt mà không chắc; nếu vội thì chao chát mà không vào; không nhanh không chậm, lựa tay ứng với bụng nghĩ; không thể nói ra cho hiểu được, có một kỹ thuật riêng trong lúc làm. Thần không thể dẫn dụ để truyền cho con cháu của thần, mà nó cũng không thể thụ giáo được, cho nên bây giờ đã 70 tuổi mà vẫn phải già đời sống với công nghệ này. Người xưa, với cái tinh thần không thể truyền lại được, nếu đã khuất bóng, vậy những gì mà Chúa công đọc chẳng phải là cặn bã của cổ nhân hay sao? (Trang Tử: thiên 13, Thiên đạo)].

Bàn về trích đoạn trên, cụ Hậu Năng Phạm Tất Đắc, người biên dịch cuốn Quản Tử (1) hạ bút:

«[...] Vàng đá còn tiêu tan, thì lời nói cũng khó được trường tồn. Nhưng đạo vẫn nhờ thánh nhân mà để lại những lời văn, thánh nhân vẫn nhờ những lời văn để làm sáng tỏ đạo. Vậy cặn bã của thánh nhân cũng vẫn là cái đạo của thánh nhân, thì bất đắc dĩ ta cũng nên gạn lọc! Bất đắc dĩ ta cũng bới mót đống tro tàn, bất đắc dĩ ta cũng nên khai thác một phần nhỏ mọn trong khu rừng rậm rạp hoang vu, từ lâu được coi gần giống như một khu rừng cấm! 

Lại tự hỏi: gạn lọc cái gì? Những gì mà ít người đã gạn lọc? Cặn bã đầy ngập mắt! Đống tro tàn ngổn ngang những sõi đá! Khu rừng rậm đầy những gốc cây từ ngàn năm trơ trơ, ít khi gặp buá rìu lay chuyển. Thực là vất vả gian nan!»

Tôi vốn rất sính đọc sách xưa của các ‘thánh nhân Đông-Tây’ cách nay năm bảy chục năm, một vài thế kỷ, vài ngàn năm. Trong một thời gian dài, tôi đã ‘vận dụng sáng tạo nhuần nhuyễn’ lời thánh nhân vào mọi cuộc trà dư tửu hậu, bàn luận nhân tình thế thái nọ kia trong không ít bài viết: dễ quá! Cũng như tôi đã cố gắng ‘sống’ theo dăm điều hay hay đã học lóm được từ trong sách: khó quá, cực quá! 

Tôi nói Sống chứ không nói Hành vì Học rồi Hành ai làm cũng được. Học ‘đề cương’, học ‘đạo đức’ rồi hành / dạy lại ‘đề cương, đạo đức’ như cái DVD ai làm chả được, đâu cần phải là TS, GS (dính hay không cái đuôi Ngộ không hay Không ngộ) mới có quyền ‘lên lớp’ bàn dân thiên hạ!

Do đó, mấy năm nay tôi đã ‘ngộ’ ra điều này: Học và Làm theo đạo đức của người xưa khó gấp vạn vạn lần học những điều vô luân, vô đạo đức của họ hầu tránh đừng làm theo! Thế thôi. Đơn giản là vì mình đâu phải ‘thánh nhân’! Diễn nôm ra là học và làm theo cái gọi là chân đạo đức, ít ra cũng phải chuyên tu thật thụ cực kỳ dữ dội, vượt được chính mình may ra có hiệu quả đôi phần mà, khổ nỗi, trong thời đại @ này chút hiệu quả đó, bố khỉ, lại có tên gọi là ‘hiệu quả hâm, hiệu ứng chập mạch’; còn ngược lại, học qua-loa-rơ-măng và cương quyết không làm theo điều vô đạo đức hay đạo đức giả thì rất nhẹ nhàng, có tốn công gì đâu mà kết quả tích cực lại nhãn tiền tắp lự sát-na! Là thành người không làm điều vô đạo đức hay đạo đức giả (nói đông, làm tây) tôi gọi là người bình thường, phi ác chứ chưa dám cho đó là người lương thiện, chẳng là “làm người lương thiện ở Việt Nam (XHCN) khó hơn làm tiến sĩ cả vạn lần”! (Người Buôn Gió)

Mấy chữ ‘hiệu quả hâm, hiệu ứng chập mạch’ làm tôi nhớ tới cái hiệu quả bị mắng xả vào mặt của việc đèn đỏ mà ngừng xe ở đâu đó, và nhớ luôn tới cái ‘hâm’, cái ‘chập mạch’ của Khuất Nguyên ở “bên kia biên giới cũng là anh em”, tác giả hai câu liền đây:

“Đời đục cả, một mình ta trong,
Đời say cả, một mình ta tỉnh...”

Thay vì cứ vô tư hiện thực terre à terre thế này:

“Sông Tương nước chảy trong veo,
Thì ta đem giặt cái lèo mũ ta;
Sông Tương nước đục chảy ra,
Thì ta lội xuống để mà rửa chân...”.

Có phải vui vẻ cả nước không nà? Ấy vì một khi ai cũng như ai, bình đẳng say-đục tuyệt đối, công bằng giặt lèo mũ, rửa chân (dơ) tuyệt đối thì chỉ phường nhân-dân-hương-nguyện-đục-say rỗi hơi mới bày trò soạn ‘Giáo trình học và làm theo đạo đức Á thánh’ hầu mót mút tiền thuế của công dân xem ra vốn ít đục, ít say, ít dơ hơn họ ‘cả vạn lần’!

Học cái gọi là đạo đức Chúa động Thuỷ Liêm làm chi, bổ béo gì khi Hiến và Luật pháp chỉ là “những màng nhện mà những con khỉ luôn luôn dung dăng chui lọt, còn những con kiến lửa thì hoài hoài kẹt lại”, và Hiến và Luật pháp non thế kỷ qua chỉ là cái gối lông công, lông phượng cho mấy trự mặt to ngủ gà ngủ gật ngon hơn, hoặc giả như xấp giấy mốc meo cheo tử nằm tuốt trên tầng cao chót vót của kệ sách, chẳng bao giờ được mở ra đọc chéo một phát, nữa là nghiền ngẫm và ‘chí công vô tư’ thực thi ‘liêm chính’.

Trong học và hành chuyên môn tôi đây chẳng chút dây mơ rễ má gì với ngành luật, nhưng tôi tin chắc nịch một điều là dù có nhập tâm kho đạo đức ‘lộn ngược’ của cụ Khổng, cụ Thích, cụ Giê-su gộp lại hay mớ đạo đức ‘lộn xuôi’ của bất cứ Người nào mà thiếu một bộ luật khúc chiết tương đối dễ hiểu và nhất là văn hoá thượng tôn pháp luật, thực thụ thiết diện nghiêm minh trong xét xử thì hai chữ đạo đức – trong đất nước đó – chỉ là cục bột bị cán đi cán lại, cán ngang cán ngược sao cho thành diễn văn, thành bài rồi gom lại thành sách để một dúm người có việc mà làm, chứng minh phần nào nguồn thu nhập như thiên hạ, thế thôi; đồng thời nhờ mấy chư vị thợ cán yêu quỉ này mà hai chữ đạo đức bổng dưng hoá thành hiếm quí, nghĩa là xa xỉ phẩm. 

Người Việt và người Hàn (và người Nhật) khác nhau ở điểm nhỏ này: Người (nam) Hàn kính sợ Hiến và Luật pháp nhưng coi nhẹ chính quyền. Người Việt XHCN thì ngược lại, kinh sợ chính quyền nhưng coi nhẹ Hiến và Luật pháp.

- Tại sao vậy?

- Tại vì mọi Hiến và Luật pháp XHCN, nghe nói, đều được làm ra cho công dân toàn quốc nhưng thực tế chỉ áp dụng tùy tiện cho những ai không phải là đảng viên!

- Mà tại sao lại thế?

- Tại vì đảng viên là ‘nhân dân’ của ĐCS mà ĐCS là danh xưng chỉ định một bộ tộc mới, ở xứ ta là bộ tộc thứ 56! (2)

- Nghĩa là 55 bộ tộc công dân anh em phải triền miên gồng vai gầm mặt nuôi báo cô bộ tộc nhân dân mới thứ 56?

- Đó không phải là nuôi báo cô, mà là nghĩa vụ!

- Nghĩa vụ?!

- Chính xác là nghĩa vụ. Nghĩa vụ để ĐCS-VN có ‘thực’ ngõ hầu tiếp tục ‘vực nghiêng, vực ngả’ bản Hiến Pháp 1992, theo định hướng, biến chứng ra bản Hiến pháp 2013!

- Nghe nói có nhiều TS, GS tiếng tăm đã đề xuất ‘vực’ lại bản Hiến pháp 1946 thành bản Hiến pháp 2013...

- Hiến pháp 1946 hay 19xx cũng rứa rứa thôi!

- Sao lại nói thế?

- Có bao giờ Hiến pháp được nghiêm minh áp dụng đâu!

- Kể cả bản 1946?

- Đúng thế. Người ta muốn ‘vực’ lại nó là bởi nó ‘thoáng’ khi la đà trên giấy!

- Cũng có nghĩa là GS-TS-LS thời nay chưa đủ ‘dân trí’ để viết một bản Hiến pháp mới?

- Nếu phải làm một cuộc so sánh để chọn lựa mảng ‘thoáng’ nhất ở... trên giấy thì đúng là bản Hiến pháp 1946 vừa thoáng, gọn, đủ, vừa hàm giá trị tập thể như Hiến Pháp ‘giẫy chết’… trên giấy. Tức vấn đề của Hiến và Luật pháp là ở chỗ áp dụng như thế nào, áp dụng cho ai. Hiến và Luật pháp nói riêng đều do con người soạn ra, chỉ duy con người trần tục mới soạn ra được. Tạo hoá, Chúa, Phật... không can dự gì cả, hơn nữa không có khả năng đó. Vậy Hiến và Luật pháp dù có ‘nhả ngọc phun châu’ mà người cầm cân công lý – vì đảng tính, đành hy sinh làm liệt sỉ đến mức thất đức, thất nhân tâm thì...


- Thì tóm lại là không cần phải bổ sung bổ mận, bổ túc bổ thủ gì sao?

- Đúng thế, một khi Tam quyền phân lập (Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp) vẫn chỉ là một... Một đất nước với tài nguyên trù phú nhưng, bởi vướng nghiệp mệnh chi đó, tuyệt đại đa số dân cư chủ nhân vẫn thà sống trong nghèo khó mà lơ mơ theo huyễn mộng thiên đàng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hy sinh nuôi cùng lúc đến hai chính phủ công bộc bạo với quen, hèn với lạ. Chính phủ đảng nhân danh chủ nhân ngồi trên đầu chính phủ chính quyền. Chính phủ chính quyền nhân danh chủ nhân ngồi trên đầu Quốc hội. Quốc hội thì chỉ biết hoặc bấm nút và vỗ tay hoặc nhân danh chủ nhân... mơ giữa ban ngày!

- Đại biểu QH kiểu bác Nguyễn Minh Thuyết trong thời đại Á thánh quả thật là ‘xưa nay hiếm’, nhưng xét cho cùng, là Khuất Nguyên! Còn chư vị đại biểu nào ngủ gật dùm chủ nhân tớ lại thấy họ còn sót tí ti liêm sỉ hơn hẳn những ông mệ giả bộ tỉnh táo hồ hởi vỗ tay, vì ngủ gật cũng là một cách tỏ thái độ ‘diễn biến hoà bình’ đối với chủ toạ đoàn: Đọc báo cáo mà êm, nhựa như Chế Linh ru hời!

- !!!

- Đằng ấy nói Tam quyền phân lập làm tớ nhớ lại trong báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 04/08/1982 có bài phỏng vấn đồng chí Luật sư Phan Anh:

[“Báo Đại Đoàn Kết:
  • Ta có bộ luật nào chưa?
Đồng chí Phan Anh (1911-1990):
  • Ta đã có nhiều luật, nhưng chưa có bộ luật nào cả. Tất nhiên là trong khi áp dụng pháp luật, ta có một đường hướng chung là đường lối, chính sách của Đảng...”]
- Thì từ Hiến Pháp 1946 đến nay cũng rứa rứa thôi! Tiện thể nhắc lại luôn, trong báo Đại Đoàn Kết số ra ngày 04/08/1979 có đoạn này: 
  • [“... Nhiều phái đoàn các nước tư bản khẩn khoản yêu cầu bác sĩ ta cho họ biết phải châm vào những huyệt gì để chữa bệnh ghiền ma tuý. Họ nói thêm: nếu các ngài không dịch ra tiếng Anh được thì cứ cho chúng tôi tên huyệt bằng tiếng Việt cũng được. Bác sĩ Trương Thìn (1940-) thành thật trả lời: châm cứu vào huyệt chẳng có giá trị gì nếu không uống trước liều thuốc mang tên Cách mạng Giải phóng...”]
- Dù sao mấy phát ngôn trên kia cũng đã thuộc về ‘hào quang quá độ’. Riêng bác sĩ Trương Thìn bấy giờ mới băm chín, còn hăng tiết vịt. Trở lại chuyện tương lai nha: trong bản Hiến pháp 1946 tôi cảm được tố chất ‘đạo đức lộn ngược’ pha bộn bộn a-rôm bê-con và ca-măm-be, đề huề lắm mà...

- Tôi có phủ nhận ‘tính đa nguyên, đa sắc tộc, đa gia vị’ trong đó đâu. Bản Tuyên ngôn Độc lập cũng có nhiều đa như thế. ‘Đạo đức lộn ngược’ (Nho-Phật-Chúa) hay ‘đạo đức lộn xuôi’ (xhcn) đều là ‘lộn’ cả. Không quan trọng. Hai đứa mình đang tản mạn là vấn đề ngành tư pháp đã và đang hành xử đạo đức trong Hiến và Luật pháp đối với 84 triệu công-dân-phi-đảng-viên ra sao.

- Hàn Phi Tử (đời Tần Thuỷ Hoàng) có câu “trị dân cần phải theo số nhiều và bỏ số ít, vì vậy không chăm chú đến đạo đức mà phải chăm chú đến pháp luật”. Ấy vì “năng lực đạo đức cai quản mầm mống, trong khi luật pháp quản chế những tác động có hại cho xã hội” (3). Hơn nữa tư pháp nghiêm minh, chí công vô tư là nền tảng để hợp thức hoá giá trị đạo đức, dẫn đến tinh thần, văn hoá thượng tôn pháp luật.

- Ở ta trước nay đều làm ngược lại hoàn toàn: Một là, biệt đãi buông tuồng số ít là bộ tộc gồm 3 triệu nhân-dân-đảng-viên với bộ luật ‘xử lý nội bộ’ hoặc nói như trong Giáo trình: “quan thì xử theo lễ, dân thì xử theo luật…rừng” (trang 286, chú thích 8); hai là, chăm chú cưỡng bức nhồi nhét đạo đức... giấy vào đầu số nhiều 84 triệu công dân (nhất là ở học đường) kèm rừng luật Tarzan ‘xử sao cũng được’(4). Đúng là thời đại chi mô. Lãnh đạo cầm quyền giấu cái tâm nhỏ bằng cái đít kim khâu, cái bụng to tròn dường cái thuyền thúng; phóng tay bòn rút, hà lạm, phí phạm của công như hương hoả riêng (Vinashin, Đại Lễ Nghìn Năm Thăng Long v.v...); bán chức, mua bằng; bỏ tù, hạ nhục, đạp vào mặt người không chịu yêu nước…lạ, tiện đại lên Hiến và Luật pháp mà lại ra rã không chút líu lưỡi dạy dỗ thiên hạ thẳng ngay cần kiệm, tôn trọng kỷ cương. Khoa bảng, văn gia, học giả - thật là đáng thương - vì miếng cơm manh áo, vì sự sinh tồn cũng đành làm liệt sỉ đến mức bán miệng nuôi trôn thành báo thành sách về những giá trị vốn không có hay không còn; có nói không, không nói có. Mỗi ngày rửa mặt, đánh răng, chải tóc, trang điểm làm gì họ không năm bảy lần nhắm tịt mắt tránh nhìn vào ‘tấm gương đạo đức sáng chói’…

- ... Vì họ sợ thấy cây Đa trong gương thay vì cây Đề. Có phải đằng ấy ngụ ý: “đời ông hai chữ dại khôn, trồng người người lại lẹo luồn hại ông”, “tiếng oán mình ông chịu, miếng ân chúng nó xơi”!

- Đã hội ý, hỏi lại làm chi.

- Đằng ấy nói không sai, nhưng đằng ấy là con kiến, không khéo họ chụp cho cái nón cối ‘phản động, âm mưu lật đỗ chính quyền XHCN’ thì bỏ bu... xấp nhỏ.

- Vậy phải làm sao, im lặng à?

- Cứ để tớ Lê Lai cứu Lê Lợi, coi ai dám Nhanh nhẩu đụng đến gót chân tớ:

  1. [“Ăn uống cho ngon, mặc muốn cho đẹp, càng ngày càng xa xỉ, càng ngày càng lãng mạn, tự hỏi tiền bạc ở đâu mà ra? Thậm chí lấy của công làm việc tư, quên cả thanh liêm đạo đức. Ông ủy viên đi xe hơi, rồi bà uỷ viên, cho đến các cô các cậu uỷ viên cũng dùng xe hơi của công. Thử hỏi những hao phí đó, ai chịu?”.
  2. “Kéo bè, kéo cánh, bà con, bạn hữu mình không tài năng gì cũng chức này chức nọ. Người có tài, có đức nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì của ai.”
  3. “Bênh vực lớp này chống lại lớp khác, không biết làm cho các tầng lớp nhân nhượng với nhau, hoà thuận với nhau.”
  4. “Tưởng mình ở trong cơ quan của chính phủ là thần thánh rồi, coi khinh nhân dân, cử chỉ lúc nào cũng vác mặt ‘quan kách mệnh’ lên. Không biết thái độ kiêu ngạo đó sẽ làm mất lòng tin cậy của dân, sẽ hại đến oai tín của chính phủ.”] (Hồ Chí Minh, Tuyển tập 1. Nxb Sự Thật, HN 1980, trang 370-371).
- Lời bốc đoán của ông Tiên hộ mạng này, ở nước ta ai dám rờ tới đằng ấy. May ra chỉ có mấy ông ‘thượng đế’ râu xồm mới dám vuốt hai con sâu róm dưới mũi đằng ấy. 

- Đã hết đâu: 
  • [“Chúng ta phải kiên quyết tẩy trừ tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, vì chẳng những nó làm tổn hại nghiêm trọng đến công quỹ của quốc gia, mà còn đẩy cán bộ công nhân ta ngập sâu dưới vũng bùn của giai cấp tư sản. Tham ô là con đẻ của tư tưởng ăn bám, bóc lột; lãng phí tuy còn do nhiều nguyên nhân khác về trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật, nhưng thông thường là con đẻ của đầu óc làm thuê, không xót xa đối với của cải, mồ hôi nước mắt của nhân dân lao động; bệnh quan liêu xét cho cùng là sự thoái hoá theo tác phong của những giai cấp bóc lột...”] (Lê Duẩn: Xây dựng nền văn hoá mới, con người mới XHCN, trang 105 - Nxb Văn Hoá, HN 1977).
- Chà, ông thần hộ mạng này cũng thuộc giai cấp ‘thiêng’... Còn nữa không?
  • ... Cho nên công dân [“họ suy nghĩ không biết họ hy sinh là để xây dựng ngày mai hay để cho người khác (nhân dân) hưởng cao hơn. Trong kháng chiến, ai cũng hưởng như ai thì việc ta động viên hy sinh, mọi người hiểu dễ lắm. Bây giờ công tác tư tưởng rất khó.” (5). “Chẳng hạn, để nghiên cứu tư tưởng HCM về đạo đức cách mạng, ngày nay cần phải đi sâu hơn vào việc liên hệ thực tế xem cán bộ, đảng viên và nhân dân ta (lẫn công dân ta) đã thấm nhuần tư tưởng cách mạng của Người đến mức nào và vì sao lại có hiện tượng xuống cấp về đạo đức trong cán bộ, đảng viên đến mức báo động như hiện nay”] (6). 
  • [“Ta đề ra cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ thực hiện làm gương cho nhân dân theo” “nhưng không bao giờ làm mà lại bắt nhân dân phải tuân theo để phụng sự quyền lợi của chúng…ta.”] (7).
- Chết thật, đằng ấy mót đâu ra mấy thứ ‘nhạy cảm’ này vậy?

- ‘Trường kỳ kháng chiến’ và zum-mê vào từng dòng chữ ‘đạo đức’ trong các cuốn tụng ca, trong các giáo trình vọc nước thành Hồ, đối chiếu với toàn tập 10 cuốn cẩm nang gốc màu cháo lòng, ấn bản thứ nhất (1980-1989), là lòi ra hết. Là nắm ‘mênh mông tình dân’ khác với ‘mênh mông tiền dân’ như thế nào! Là thấu triệt lời hứa như thề «không chống được tham nhũng thì tôi sẽ từ chức» so với cái nhà thờ Họ của chính người đã hứa như thề. Là có đủ tầm để tách biệt đầu dê thịt chó, Hồ đội lốt hổ ra sao!

- Coi bộ đằng ấy cũng như tớ cạn niềm tin đối với cái đảng ‘công bộc chi dân’...

- Khổng Tử có câu “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. Thời đại Á thánh có câu “Đảng vi quý, xã tắc thứ chi, dân vi khinh”. Khổng Tử còn có câu “Ta nghĩ là dân có thể thiếu ăn vì lúc nào cũng có khó khăn, đói nghèo song quốc gia không thể tồn tại nếu dân mất niềm tin vào lãnh đạo”.

- Cố TBT Nguyễn Văn Linh, năm 1988, lại nói khác “mất nước nhưng chúng ta còn dân tộc, còn đói khổ thì tệ hại hơn mất nước vì đói khổ làm dân tộc mất đi nhân phẩm”

- Lời cố Tổng Linh linh thật: nhân phẩm người phụ nữ dam dang Trưng, Triệu ra sao bên Hàn, bên Sing...? Cũng trong sách của Nguyễn Hữu Liêm có dẫn câu của ai đó “thậm chí có người dám nghĩ rằng thà mất nước còn hơn là mất chính chúng ta (tôi -VTP - hiểu là mất nhân phẩm)”. Nhân phẩm nó cao quý tối thượng như thế, hèn chi chao ôi ở nước ta, dưới cái “kim chỉ nam cho mọi hành động” lại có loại pa-nô khẩu hiệu liệt sỉ ‘còn đảng, còn mình’ được hợp pháp nghênh ngang dựng lên giữa đất và trời!


- Ở ta, ĐCS là một bộ tộc. Bộ tộc thứ 56, chủ thể. Là siêu quốc gia trong quốc gia, vậy đảng vi quý cũng đâu có gì quái lạ.

- Nhưng ĐCS chỉ còn là một danh xưng, “nhiều nơi cấp uỷ chỉ còn là tấm bình phong, nơi hợp thức hoá ý muốn chủ quan của người đứng đầu đơn vị” (8) “địa phương nào thì coi đó như một giang sơn riêng, không biết đến lợi ích toàn cục” (8a), chứ hai chục năm qua hoạ bị Alzheimer cấp cuối mới còn tin vào cái gọi là “chủ nghĩa Mác-Lênin – hệ tư tưởng tiên tiến nhất của thời đại, tinh hoa văn hoá của nhân loại”.

- Đâu có, bây giờ “Tư Tưởng Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lênin ở Việt Nam” (8b)! Bởi “lịch sử thế giới đã, đang và sẽ còn trải qua những bước quanh co, song như đảng ta đã nhận định: loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử” (8c). 

- Ờ... ờ, cứ cho rằng “loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội”, nhưng mà ‘sẽ’ trong bao nhiêu... ngàn năm? Hơn nữa, đạt được thiên đàng xhcn rồi sao nữa?

- Ai biết, đằng ấy phải ‘khẩn trương’ hỏi thẳng cụ GS Đặng Xuân Kỳ (1931-), chủ biên cuốn Giáo trình TT-HCM 2008, trước khi cụ ‘bay’ vô lăng báo cáo thành tích với Á thánh!

- Thật là nói lấy được. Vậy mà học sinh sinh viên phải ghi vào đầu ba thứ ‘minh triết’ khốn khổ khốn nạn này. Nhận định như thế có khác chi nhà thần học ‘khải thị’: vài ngàn năm nữa quả đất sẽ bị hũy diệt bởi chính những vũ khí do con người làm ra, tức là ngày tận thế! So với lời của cố chủ tịch nước CH Dân chủ Nhân dân Lào, Kaysone Phomvihane (1920-1992), năm 1991: "Chủ nghĩa xã hội vẫn là mục tiêu của chúng ta, nhưng là một mục tiêu rất xa vời"! Và kể từ 1992, hình buá liềm đã biến mất trên quốc huy xứ Lào, thay vào đó là hình tháp That Luang.

- Các nước ‘giẫy chết’ trên thế giới ngụp trong u mê ám chướng, không thẩm thấu được quy luật tất yếu lịch sử xhcn này nên vẫn tiếp tục phát triển vù vù, dân chúng sống sung sướng, tự do trong pháp luật, vô tư đến vô cảm trước vầng minh triết sáng ngời ngời dưới đáy hồ tụt hậu, nghèo khó, nghi kỵ, sợ hải của con rồng cháu tiên; bất chấp lời tiên tri vĩ đại vì nhân loại của ‘Hội đồng trung ương chỉ đạo biên soạn giáo trình quốc gia các bộ môn khoa học Mác-Lênin, tư tưởng HCM’ của nước CHXNCN-VN. Mặc dù chính cái Hội đồng này đã tổng kết kỳ lạ như sau:

[“Những vấp váp, sai lầm trong 10 năm đầu khi cả nước đi vào xây dựng chủ nghĩa xã hội (1975-1986) chậm được phát hiện và khắc phục đã đưa đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế - xã hội. […] Đảng ta dũng cảm tự phê bình, đề ra đường lối đổi mới đưa đất nước từng bước thoát ra khủng hoảng, giành được những thắng lợi to lớn, làm nên một việc thần kỳ: từ một nước thiếu đói, phải nhập khẩu lương thực, chỉ sau một số năm đổi mới đã trở thành một nước xuất khẩu gạo đứng thứ hai, thứ ba trên thế giới.” […]. NHƯNG, hơn hai mươi năm sau, [“cần tỉnh táo nhìn vào sự thật để thấy rằng nước ta hiện nay vẫn còn là một trong những nước nghèo và lạc hậu trên thế giới. Thu nhập tính theo đầu người còn rất thấp (9), trình độ khoa học và công nghệ còn lạc hậu hàng mấy thập kỷ so với các nước trong khu vực và hàng trăm năm so với các nước tiên tiến. Trong khi các nước phát triển đã đi qua hai cuộc cách mạng công nghiệp, đang bước vào nền kinh tế tri thức thì nước ta mới bắt đầu bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá.”] !!! (Giáo trình TT-HCM 2008, trang 479, xem chú thích 8).

- Đổi mới đồng nghĩa với bỏ lỡ cơ hội vàng để cởi bỏ cái kim cô Mác-Lênin. Cả một bộ sậu ‘minh triết’ sao giảng huấn lạ lẫm thế này: Vế hai đá ngược vế một! Mà ối dào, có thể tụi ‘giẫy chết’ đứt mạch niềm tin rồi chăng nên không hiểu, không màng tới chuyện trong vài ngàn năm sau? Đáng kiếp tụi nó. Chắc chắn tụi nó sẽ không đủ tiền mua vé máy bay đến chia vui Đại lễ 2.000 năm Thăng Long XHCN!

- Một hai ngàn năm sau ra sao tớ xin chịu câm, nhưng cho đến đêm nay ở các nước ‘giẫy chết’, dân mất niềm tin nơi ê-kíp lãnh đạo này thì thay liền ê-kíp lãnh đạo khác, chậm lắm là trong nhiệm kỳ sau, còn ở xứ sở “nghèo và lạc hậu” trong tập trung dân chủ ô-tô hiến định như Việt Nam ta, từ 36 năm qua, đổi là đổi ông đồng ra bà cốt, thay là thay bà cốt ra ông đồng!

- [Vấn đề cốt lõi của cải cách, hoàn thiện nhà nước, xét cho đến cùng vẫn là “vấn đề con người vận hành bộ máy”.(trong sách in nghiêng: Giáo trình TT-HCM 2008, trang 487, xem chú thích 8).

- Bộ máy là do con người tạo ra, giờ kẹt cứng trong đó lại đỗ lỗi cho nó. Bộ máy (cơ chế) là gì ? Sao không “dũng cảm” gọi đúng tên nó là đảng! Từ nồi bo bo trộn sắn thành nồi cơm trắng thì là nhờ ơn đảng. Còn “nước nghèo và lạc hậu trên thế giới ” lại là tội của cơ chế ! Đạo đức suy đồi, bát nháo là do kinh tế thị trường (không có đuôi xhcn)!

[“Một đảng nhân danh là đảng cầm quyền hạt nhân lãnh đạo của giai cấp công nhân, không vượt qua được chính mình để trở thành một đảng chân chính của giai cấp công nhân thì không những không đủ sức lãnh đạo một nhà nước kiểu mới mà cũng sẽ không đủ tư cách một đảng cầm quyền theo tư tưởng Hồ Chí Minh.”] (PGS-TS Thành Duy Nguyễn Văn Truy, sđd, trang 165, chú thích 5).

- Đứt mạch niềm tin nơi đảng vi quý và chính quyền dân vi khinh bất nghĩa, bất tín mà cứ bàn tới luận lui việc ‘vực nghiêng, vực ngửa’ Hiến và Luật pháp, khác chi ‘đàn gảy tai trâu’ trong bao lần Đại Hội X, X một, X hai… đã qua, vốn thực chất ai cũng biết là vốn riêng, chuyện riêng của Đảng: bộ tộc thứ 56. Đúng là tửng tửng!

- Thì bởi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét