Trang

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

Giáo dục Đại học Việt Nam cần thay đổi hơn nữa từ nhận thức

2011-12-04
Vấn đề giáo dục đại học được đặt ra trong bối cảnh xã hội Việt Nam đang có nhiều người trẻ mơ giấc mơ đổi đời thông qua ngưỡng cửa tốt nghiệp đại học và hàng chục ngàn doanh nghiệp đang thiếu thốn trầm trọng nguồn nhân lực chất lượng cao.
RFA PHOTO
Đại học Công Nghiệp TPHCM, chi nhánh tại TP Quảng Ngãi, ảnh chụp ngày 05-07-2011.


Một hệ thống giáo dục yếu kém lạc hậu khó có thể hình thành nên nền kinh tế phát triển bền vững, đó là nỗi quan tâm của nhiều người trong xã hội Việt Nam. Vậy trong thực tiễn đã có những cải tạo gì cho vấn nạn này? Thông tín viên Nhân Khánh có bài tìm hiểu sau đây.


Nghị quyết 50 của Quốc hội khóa XII đề cập đến vấn đề thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, được ban hành từ giữa năm 2010.Gần một năm rưỡi trôi qua nhưng tiến trình công việc của Bộ Giáo dục vẫn ở mức rà soát, đánh giá; sang năm tới là tiếp tục thành lập các đoàn thanh tra để tiến hành kiểm tra các trường còn lại. Sai sót ở các cơ sở đào tạo đã được xác định, song các biện pháp chấn chỉnh các khuyết điểm trong hệ thống giáo dục đại học chưa được triển khai quyết liệt. Do đó sự quan tâm và lo lắng của dư luận cả nước là hoàn toàn dễ hiểu.
Chẳng hạn từ góc độ người đứng trên bục giảng, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng có những chia sẻ như sau:
Đúng ra là nền giáo dục Việt Nam bây giờ đang lùng bùng quá, có những vấn đề tế nhị khó nói.
GSTS Nguyễn Thế Hùng
“Đúng ra là nền giáo dục Việt Nam bây giờ đang lùng bùng quá, có những vấn đề tế nhị khó nói. Bởi vì một nền giáo dục tiên tiến là đầu tiên đào tạo cho con em có tính năng động. Ở Việt Nam cũng nói về tính năng động, ở đây không có vấn đề gì cả.
Nhưng một trong những điều quan trọng là người thầy phải giỏi, đây là điều kiện cần. Nhưng làm thế nào để tạo điều kiện để người thầy giỏi? Muốn có người thầy giỏi phải đáp ứng hai điều căn bản: thứ nhất là trong xã hội đó người ta quý trọng người thầy thực sự, thứ hai là tiền lương trả cho người thầy đó phải cao. Nếu một đất nước nào hội tụ đủ hai điều kiện đó thì sẽ có người thầy giỏi.
Và đây mới chỉ là một vế, còn vế thứ hai là xã hội đó phải theo những chuẩn mực văn minh của nhân loại. Tức xã hội đó đào tạo ra những con người góp phần xây dựng xã hội, không những cho xã hội đó mà còn góp phần làm cho loài người phát triển.”
Thực tế cho thấy, qua phiên Quốc hội chất vấn ngành giáo dục vừa rồi đã dẫn đến thừa nhận: chất lượng giáo dục và đào tạo của Việt Nam một mặt chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước; mặt khác về trình độ chung lại đang ở mức thấp trong tất cả các bậc từ mầm non đến đại học. Hiện nay, cơ hồ giữa số lượng trường đại học và chất lượng giáo dục đại học quan hệ với nhau theo một tỷ lệ nghịch.

Luật Giáo dục Đại học


Dai-hoc-Y-khoa-1-250.jpg
Trường Đại học Y Hà Nội, ảnh chụp ngày 05-10-2011. RFA PHOTO.
Có thể chỉ ra rằng, một trong các nguyên nhân dẫn đến những hạn chế, bất cập trong giáo dục đại học là do hệ thống pháp lý về giáo dục đại học chưa hoàn thiện, cụ thể Việt Nam chưa có Luật Giáo dục Đại học.

Lần đầu tiên Dự án Luật Giáo dục Đại học đã được đem ra thảo luận tại hội trường trong tháng qua. Không có gì để bàn cãi về nhu cầu cần thiết phải ban hành Luật Giáo dục Đại học, nhưng nhiều nội dung còn quá chung chung của dự án Luật đã không xử lý được các gút mắc của nền giáo dục đại học Việt Nam. Chẳng hạn như trong vấn đề kiểm định chất lượng giáo dục là phải có chuẩn quốc gia về giáo dục đại học, các tiêu chuẩn quy định tối thiểu đối với sinh viên và cơ quan kiểm định phải là độc lập thì mới có tác dụng…
Bên cạnh việc cần nhấn mạnh về công tác thanh tra và hậu kiểm, cụ thể hóa các biện pháp xử phạt nhằm thể hiện vai trò quản lý nhà nước; dự thảo Luật đã tỏ ra bao biện vào các công tác chuyên môn, khiến yếu tố tự chủ cần thiết trong hệ thống giáo dục đại học trở nên mờ nhạt.
Khác với Luật Giáo dục hiện hành là luật khung, Luật Giáo dục Đại học là luật chuyên ngành nên cần đi vào chi tiết cụ thể để sau khi được ban hành sẽ phát huy tác dụng ngay. Vấn đề tự chủ đại học phụ thuộc vào việc ban hành một bộ tiêu chí về quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học tham chiếu rồi tự áp dụng. Đằng này theo dự thảo, quy định tự chủ tùy thuộc vào kết quả kiểm định chất lượng nhưng lộ trình kiểm tra hơn 400 trường đại học, cao đẳng trên cả nước đến nay vẫn chưa định ra thời điểm tổng kết.
Trong thời buổi toàn cầu hóa, luật định về giáo dục đại học không thể bỏ qua các chuẩn mực quốc tế đang hiện hành. Quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường đại học là cần thiết. Tự chủ cần được hiểu là quyền vốn có của cơ sở giáo dục đại học, là nền tảng cho sự phát triển sáng tạo năng động của trường đại học. Đã đến thời điểm thay đổi về mặt nhận thức theo xu hướng là trao trả lại quyền tự chủ chớ không phải cấp cho các trường đại học quyền tự chủ này.

Cần có quyền tự chủ


MG_0052-250.jpg
Đại học Tôn Đức Thắng, ảnh chụp ngày 03-07-2011 tại Nha Trang. RFA PHOTO.
Là một giáo sư đại học đã sống và làm việc trong nước, đồng thời cũng từng đi nước ngoài nhiều lần để nghiên cứu và giảng dạy, Giáo sư Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng có những so sánh cụ thể giữa trong nước và thế giới trong vấn đề quyền tự chủ ở trường đại học:

“Ở Việt Nam là tự chủ trên lý thuyết thôi chớ thực tế thì chưa có tự chủ đâu. Ví dụ như các nước tiên tiến trên thế giới, hàng năm Nhà nước sẽ hỗ trợ cho một số tiền cụ thể. Trong thực tế, cứ thế mà người ta nhận số tiền này, không ai can dự vào. Nhưng ở Việt Nam thì có khác, không bao giờ anh nhận được cục tiền đó. Hay tự chủ về khung chương trình đào tạo thì Việt Nam vẫn chưa làm được điều này. Ở Việt Nam là mọi thứ phải nằm trong khuôn khổ.”
Nếu thiếu cái nhìn tổng quan, chắc chắn sẽ dẫn đến những cải cách nửa vời, tạo ra hiện tượng tuột xích trong quy hoạch. Vấn đề tự chủ ở đại học không thể dừng lại ở tự chủ tài chính mà cần phải hiểu là cả trong đào tạo, quản lý và nghiên cứu khoa học.
Việc trao quyền tự chủ nhằm mục đích nâng cao chất lượng giáo dục, năng lực tự chủ này sẽ được đánh giá qua công tác kiểm tra chất lượng. Trong thực tế, các trường đại học ở Việt Nam đều do Nhà nước cấp phép thành lập, cho nên vị thế độc lập của cơ quan kiểm định cần được đặt ra. Thời gian qua cho thấy, có phải chăng công tác thanh tra các trường đại học chưa thực hiện rốt ráo vì toàn bộ thành viên các đoàn thanh tra này đều là người của Bộ Giáo dục. Cần nhận định rằng, một phần công tác kiểm định giáo dục là nhằm thể hiện trách nhiệm và quyền lợi xã hội nên phải có sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ, tránh tình trạng cơ quan nhà nước thực hiện chức năng quản lý đồng thời cũng là tổ chức thực hiện kiểm định.
Ở Việt Nam là tự chủ trên lý thuyết thôi chớ thực tế thì chưa có tự chủ đâu.
GSTS Nguyễn Thế Hùng
Tình trạng thiếu luật hóa về các quy định, nguyên tắc dẫn đến khả năng mất định hướng ngày càng tăng dần trong lãnh vực giáo dục đại học. Một khi không định được chuẩn thì chẳng thể định vị được thực tế có lệch hay không và lệch đến mức độ nào để điều chỉnh vì không có chuẩn. Mọi việc dễ ở trạng thái bềnh bồng tụt dần lại phía sau như cách bơi của một con sứa biển so với sự phát triển của các nước trong khu vực và thế giới là những con cá có thể di chuyển nhanh theo hướng xác định.
Muốn gọi tên chính xác được sự việc phải bắt nguồn từ một tư duy đúng. Dư luận xã hội dễ bị choáng khi các doanh nghiệp hay đặt vấn đề là phải “đào tạo lại” khi tuyển dụng các sinh viên tốt nghiệp, song thực chất đây chỉ là các chương trình “đào tạo bổ sung” vì mỗi doanh nghiệp có một văn hóa và môi trường làm việc khác nhau. Hay khó có thể đổ lỗi hoàn toàn cho sinh viên tốt nghiệp tại sao chậm hội nhập khi bước vào thực tế công việc mặc dù họ đã trãi qua một chương trình đào tạo trong vài năm, một khi trong hệ thống kiến thức chính khóa họ tiếp nhận thường thiếu một mảng huấn luyện quan trọng: kỹ năng mềm.
Hệ thống giáo dục đại học là một tập hợp gồm nhiều yếu tố tương tác lẫn nhau để đạt đến mục đích chung, trong cấu trúc này ngoài chương trình học với hệ thống dạy học còn nhiều thành phần tham dự khác. Một tổng quan về nền giáo dục đại học quốc gia sẽ dẫn đến sự quán xuyến sâu sát các vấn nạn nảy sinh trong hệ thống giáo dục. Xuất phát từ tư duy có tính hệ thống, các quyết sách về giáo dục mới có sự nhất quán, tránh tối đa được những ứng phó tuỳ tiện, cải cách manh mún.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét