Trang

Thứ Ba, 6 tháng 12, 2011

“Phục hồi nhân phẩm” hay lộ mặt “tim đen” thú tính?


Lê Thiên (danlambao) Tuồi Trẻ Chủ nhật ngày 06/8/2005 có bài phóng sự “24 giờ trong trại ‘phục hồi nhân phẩm’”. Theo tác giả, trại “phục hồi nhân phẩm” là nơi CHỈ giam giữ gái mại dâm: “Dạo một vòng quanh trung tâm phục hồi nhân phẩm, phải công nhận nơi đây có nhiều khuôn mặt khiến không ít đấng mày râu nao lòng. Họ từ khá đẹp đến rất đẹp. Nhiều khuôn mặt bên các khung thêu trông hiền lành đến lạ. Nhưng có nàng đã vào đây đến lần thứ tám, 80% có tiền án tiền sự!”

Rồi tác giả mai mỉa: “Không ai dám chắc những gương mặt đó ra khỏi trại có “phục hồi” lại được nhân phẩm hay sẽ chạy ngay về chốn cũ, đem nhan sắc trao cả vạn khách làng chơi?!” Chỉ vì các trại “phục hồi” thực chất là trại giam: “Theo qui chế giống nhau, tất cả được quản lý như trại giam, nghĩa là cũng tường cao, rào dây thép gai và có người canh gác.” Trại giam là trại giam! Nó làm gì có khả năng to lớn “phục hồi nhân phẩm” được ai? Giống như trại tù mà gọi là “trại cải tạo”! Hay trại lao động khổ sai mà gọi là “cải tạo lao động” Đố những cái trại ấy “cải tạo” được ai hay càng in sâu nỗi uất hận?… 

Đấu tranh cho chủ quyền quốc gia, cho Công bằng xã hội… phục hồi nhân phẩm sao? 

Trại phục hồi nhân phẩm rõ ràng là trại nhốt gái mại dâm. Ấy thế mà nay CSVN lại lùa cả những người dân đi biểu tình yêu nước vào trong cái trại giam khốn kiếp ấy! Cụ thể, ngày 27/11/2011, “hàng chục người biểu tình ‘ủng hộ thủ tướng’ đã bị công an bắt giữ thô bạo, một số bị câu lưu trong đồn công an, trong khi vài chục người bị đưa vào tạm giữ tại trại Phục hồi nhân phẩm ở Lộc Hà hay còn gọi là Trung tâm lưu trú Lộc Hà.” 

Các báo điện tử đều đăng tải tin này với nhiều hình ảnh minh họa. 

Một nạn nhân bị lôi vào trại “phục hồi nhân phẩm, chị Bùi Thị Minh Hằng cho biết: “Từ nơi giam giữ, Người Buôn Gió chuyển lời đến công luận: "Chuyện chỉ có ở VN, chúng tôi là những người đi biểu tình ủng hộ Thủ tướng ra luật biểu tình lại đang bị chính quyền bắt giữ và đưa về giam giữ tại trại phục hồi nhân phẩm Lộc Hà."  

Chị Bùi Thị Minh Hằng gửi lời nhận xét: "Ủng hộ Thủ tướng và Quốc Hội mà đưa đi phục hồi nhân phẩm thì rõ ràng Thủ tướng và Quốc Hội mất nhân phẩm quá rồi" 

Tại sao Trung tâm này không dành cho các quan mua dâm, những kẻ tung tiền ăn cướp của dân vào các cuộc truy hoang hành lạc với gái bán dâm, hầu vào “lưu trú” “sống chung hòa bình” với các em đã bán… cái ngàn vàng cho bọn quan tặc dâm tặc ấy, chẳng thích hợp hơn sao? 

Nhưng than ôi! Chỉ vài hôm sau vụ tống giam người biểu tình vào trại phục hồi nhân phẩm, ngày 02/12/2011, nhà cầm quyền CSVN lại cũng “súng ống, dùi cui, gậy gộc” bắt Linh mục Chánh xứ Nguyễn Văn Phượng, một đệ tử DCCT tên là Thanh cùng một số giáo dân Thái Hà vào cái Trại “Phục hồi nhân phẩm” Lộc Hà ấy. 

Những người yêu nước, những người đòi Công lý bị lăng nhục đến như vậy, thử hỏi cái bọn cầm đầu kế hoạch ác ôn côn đồ kia có còn là con người không? Và cái bọn thảo khẩu thực hiện kế hoạch ấy cũng vậy! Không xứng đáng làm người thì làm gì có nhân phẩm để bày trò “phục hồi nhân phẩm” đốn mạt, vô liêm sỉ, vô giáo dục nhằm vào những người sống nhân bản và hành động theo lương tri? 

Công luận có thể nào dửng dưng trước hành động ngang ngược quá thể của lũ vô thần chà đạp nhân phẩm người khác trong đó có cả linh mục và giáo dân CG xuống dưới tận đáy cùng xã hội như thế? 

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”! Nhà tù thông thường mà còn như vậy, nói gì tới nhà tù “phục hồi nhân phẩm” chỉ dành cho nữ giới, mà lại đẩy nam giới vào dù chỉ một giờ đồng hồ? Dấu ấn “phạm nhân phục hồi nhân phẩm” gột rửa đến bao giờ mới hết? 

Trại phục hồi nhân phẩm: hậu thân của bệnh viện tâm thần 

Mấy cái vụ “phục hồi nhân phẩm” nhố nhăng trên đây làm cho nhiều người liên tưởng tới những bệnh viện tâm thần ở các nước CS độc tài độc đảng toàn trị. 

Tại khắp các nước cộng sản từ Liên Xô tới Đông Âu, Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, Cu Ba, và cả Việt Nam đâu đâu cũng có những “bệnh viện tâm thần” để nhốt cả người điên lẫn người tỉnh. 

Người tỉnh dám chống lại cái sai của đảng và nhà nước CS, đều bị cho là phản động, là thù địch… đều không còn được coi là người tỉnh táo nữa, mà là những tên điên. Tống hết những tên điên vào nhà thương điên (bệnh viện tâm thần). Sống trong lò điên một thời gian thế nào những người không điên ấy cũng thành điên! Điên vì môi trường điên tác động cũng có, nhưng điên vì những liều thuốc điên tiêm vào người cũng là hiện tượng phổ biến. 

Văn hào nổi tiếng Nga Aleksandr Solzhenitsyn, người được thưởng giải Nobel Văn chương với tác phẩm “Quần đảo ngục tù” đã từng xót xa than thở: “Chúng [Cộng sản Liên Xô] thích đưa ai ra tòa thì đưa, chúng nhốt người tỉnh táo vào nhà thương điên – chúng nó luôn giở những trò đó, còn chúng ta thì bất lực.”[1]

Ngoài việc tống vào nhà thương điên những người bất đồng quan điểm hay bất đồng chính kiến với CS, nhà cầm quyền CSVN còn ngầm cho thuộc hạ diễn đủ màn hạ cấp nhằm triệt hạ hoặc thủ tiêu những người chỉ dám lên tiếng chứ chẳng làm điều gì gọi là phạm luật cả, kể ra không hết. 

Tương tợ như vậy, ngày nay CSVN nảy ra “sáng kiến” tân kỳ thời hiện đại: Dùng Trại Phục hồi Nhân phẩm làm “Trung tâm cư trú” vừa chứa gái mại dâm vừa nhốt người đấu tranh cho Công bằng xã hội hay cho chủ quyền quốc gia. “Sáng kiến” man rợ này cũng đủ cho thấy ai là kẻ tự đánh mất cả lương tri lẫn phẩm cách con ngưòi! Qua đó, chúng ta dám quả quyết mà không sợ sai lầm rằng, nhà cầm quyền CSVN chẳng còn là người nữa mà là những vật hoang dã mang ảo tưởng “phục hồi nhân phẩm” cho những con người sống trọn vẹn phẩm chất làm người! 

Bài học từ văn hào Nga Aleksandr Solzhenitsyn[2]

Những cách hành xử nêu trên của CSVN có thể tóm tắt trong một từ: Đàn áp

Để thực hiện đàn áp, người CS dùng bạo lực. Nhưng bạo lực “chính qui” dễ bị công luận phẫn nộ rồi quật khởi. Thế là CS tìm tới những kiểu cách dối trá lấy vải thưa che mắt thánh: Vu khống. Mượn tay côn đồ chơi trò du đảng. Dùng báo chí xuyên tạc. Dàn cảnh bức hại. 

Văn hào Aleksandr Solzhenitsyn đã cảnh báo sự dối trá của CS trong luận đề của ông ngày 12 tháng Hai 1974 nhan đề “Đừng lấy dối trá làm lẽ sống”. Ông bị công an mật vụ đột nhập vào nhà, bắt đi ngay ngày ấy. 

Trong bản luận đề của ông, văn hào Solzhenitsyn nêu rõ: “Bạo động len lỏi vào cuộc sống an bình, cái mặt nó toát ra vẻ ngạo mạn, y như đang khoác một ngọn cờ và hô to:‘Bạo động đây. Tránh ra, nhường đường cho tao, không tao nghiến nát tụi bay.’ Nhưng mà bạo động mau già. Rồi nó mất hết tự tín, và để giữ cho cái mặt ra vẻ khả kính nó rước thằng dối trá về làm đồng minh – vì không phải ngày nào nó cũng thò bàn tay thô bạo của nó ra được, mà thò ra được cũng bất tất chụp hết mọi người. Nó chỉ cần chúng ta ngoan ngoãn phục tùng dối trá và hàng ngày thực hành dối trá – đây chính là yếu huyệt của mọi sự trung thành.” 

Solzhenitsyn đề nghị: “Vì thế, dù có dè dặt, mỗi chúng ta hãy lựa cho mình: hoặc là, cam tâm làm nô lệ cho hư ngụy […] hoặc là rũ sạch mọi sự dối trá, làm một người lương thiện xứng đáng được con cái và người đồng thời kính trọng.” 

Ông thách thức mọi người: “Nếu trong lồng ngực có một trái tim cao thượng thì tấm ngực mỏng manh kia có thể đứng lên chống lại xe thiết giáp đấy sao?” 

Solzhenitsyn nói với dân Nga của ông từ năm 1974, nhưng tưởng chừng như ông nói với chính người Việt Nam chúng ta hôm nay: “Chúng ta bị tước đoạt nhân tính một cách tàn bạo tới mức chỉ vì miếng cơm manh áo qua ngày thôi mà chúng ta sẵn sàng vứt bỏ mọi nguyên tắc và linh hồn của mình, mọi nỗ lực của tiền nhân và mọi cơ hội của hậu thế - miễn sao đừng đụng tới sự tồn tại mong manh của mình là được.” 

Ông lại mạnh mẽ cảnh cáo: “Chúng ta không có khí phách, không có tự trọng, không có nhiệt tình. Vũ khí hạch tâm, thế chiến thứ ba chúng ta không sợ. Chúng ta đã nấp kỹ trong hang rồi. Chúng ta chỉ sợ làm người công dân có dũng khí. Chúng ta sợ lạc đàn, sợ đi một mình không có cơm ăn, không có khí đốt, không có hộ khẩu thành phố.” 

Nhà văn Nga buồn bã thốt lên: “Chúng ta bị nhồi sọ chính trị, bị người ta tiêm cho cái ý nghĩ phải an thân đã, rồi sau sẽ tốt đẹp hết.” 

Sau đó Solzhenitsyn vừa khích lệ vừa lại một lần nữa cảnh tỉnh dân Nga của ông: “Nếu chúng ta nâng đỡ nhau và sát cánh nhau thì con đường này [lấy chân thật làm lẽ sống] sẽ dễ đi và ngắn bớt lại. Nếu chúng ta đông tới hàng ngàn người thì bọn chúng sẽ không làm gì được chúng ta. Nếu chúng ta lên tới hàng vạn người thì đất nước này sẽ khoác bộ mặt mới đến mức chúng ta không còn nhận ra nữa. Nếu chúng ta khiếp nhược quá, thì đừng trách người ta đàn áp mình mãi. Chính chúng ta đang tự mình đàn áp mình đấy!” 

Lời kết của nhà văn cũng rất đáng cho mọi người Việt chúng ta suy ngẫm. Ông viết: “Và nếu thậm chí đã chọn con đường yên thân mà chúng ta vẫn rơi vào chỗ cùng khốn, thì chúng ta đúng là đồ bỏ đi, không còn cách gì cứu vớt được. Lúc đó, chúng ta đáng dành cho những lời khinh bỉ này của Pushkin: ‘Đồ súc sinh thì làm gì có tự do. Muôn đời di sản của nó chỉ là ách nặng và roi vọt.’ 

Văn hào Solzhenitsyn đã đưa ra bức tranh của một liên minh tội ác ghê tởm, liên minh giữa tên bạo lực và thằng dối trá. Ông thôi thúc chúng ta hãy cấp tốc hành động để đánh tan liên minh ma quỉ ấy. 

Chúng ta còn chần chờ gì nữa? 

Lại nhìn về GHCGVN 

Lẽ ra bài viết của chúng tôi dừng ở đây. Tuy nhiên vụ linh mục và giáo dân bị lùa vào Trại “phục hồi nhân phẩm” vẫn còn khuấy lên trong lòng người tín hữu Công giáo một nỗi u uất khó tả. Không thể coi đó là chuyện thường, chuyện nhỏ, mà là chuyện tương lai của quyền sống, quyền làm người, quyền đòi hỏi Công lý, quyền tự do tôn giáo. 

Nhân phẩm của linh mục và giáo dân đấu tranh cho Công bằng xã hội tại sao lại kéo xuống tới mức phải phục hồi nhân phẩm như gái bán dâm? 

Đức TGM Leopoldo Girelli, vị đại diện không thường trú của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam, đang có mặt tại miền bắc Việt Nam trong thời điểm sôi sục này. Ngài đến tận Gp Hưng Hóa mà lại không ngó ngàng gì tới Thái Hà là làm sao? Có lẽ ngài không nhẫn tâm trước những khổ nạn mà các linh mục và giáo dân Thái Hà đang gánh chịu và sẽ còn gánh chịu thảm khốc hơn! Chắc hẳn có ai đó sắp xếp chỗ nào ngài đến, nơi nào ngài thăm! Vậy thì có sai trái gì không nếu nghi ngờ đây là một sự dàn xếp giữa nhà cầm quyền CSVN và HĐGMVN? 

Đức Girelli đến giáo phận Vinh (03-06/12/2011) cũng cùng một kiểu cách vậy. được đưa tới những giáo xứ lớn với những cờ trống rước xách rình rang! Trang web TGP SàiGòn (Chúa Nhật 04/12/2011) mô tả: “Suốt chặng đường từ khu công nghiệp Hoàng Mai đến giáo xứ Thanh Dạ, có hàng chục ngàn giáo dân đón rước Đức TGM Leopoldo Girelli. Cả một biển người và rợp một màu cờ vàng trắng chào đón vị Đại diện của Đức Thánh Cha.” Có diễn từ của Đức Cha Nguyễn Thái Hợp! (Ngài là Chủ tịch UB Công lý & Hòa Bình HĐGMVN, ai mà không biết!). Rồi có đáp từ của Đức Tổng Girelli! Xôm tụ lắm! Tự do tôn giáo! Tốt đời đẹp đạo! Một bức tranh tuyệt đẹp đủ che mắt và ngăn chặn tiếng nói của vị đại diện Tòa Thánh! 

Hậu quả sẽ là gì, hạ hồi phân giải! Nhưng lời của Pushkin mà văn hào Nga Solzhenitsyn nhắc trên lại văng vẳng trong tai mọi người: “Đồ súc sinh thì làm gì có tự do. Muôn đời di sản của nó chỉ là ách nặng và roi vọt.”  

Tiếng vọng từ Sài Gòn 

Không biết có cần hay không cần nhắc lại đây lời phát biểu chân thành và thẳng thắn của một vị linh mục thuộc TGP Sài Gòn, linh mục Lê Quốc Thăng, Ban Công Lý Và Hoà Bình, Tổng Giáo Phận Sài Gòn? Ngài nói: 

“Mọi thành phần Giáo Phận nhất là các Chủ Chăn cần biết lắng nghe tiếng nói thời đại, tiếng nói của người nghèo, người bị áp bức bất công, những người thấp cổ bé họng không thể lên tiếng để kịp thời lên tiếng thay cho họ và là tiếng nói đích thực của những anh chị em ấy trong sự thật, với lòng can đảm dấn thân, không sợ hãi, không né tránh. Trong tình liên đới luôn phải ưu tiên thể hiện sự hiệp thông với mọi thành phần Dân Chúa trong toàn thể Giáo hội nhất là những nơi, những anh chị em đang bị bách hại, đang gặp khó khăn cách này cách khác.” (Lm Giuse Lê Quốc Thăng: Một đường hướng loan báo Tin Mừng. Tham luận tại Công nghị TGP Sài Gòn từ 22 tới 25/11/2011). 

Cha Lê Quốc Thăng nhấn mạnh: “Trong tình liên đới luôn phải ưu tiên thể hiện sự hiệp thông với mọi thành phần Dân Chúa trong toàn thể Giáo hội nhất là những nơi, những anh chị em đang bị bách hại, đang gặp khó khăn cách này cách khác.” 

Cha Thăng kết luận với một đề nghị khẩn thiết: “Tin Mừng không thể đâm chồi nơi những gì hư ảo, không thực; nơi những gì trừu tượng chung chung mà từ môi trường xã hội cụ thể, từ những con người và cảnh huống cụ thể.” 

Phải! “Tin Mừng không thể đâm chồi nơi những gì hư ảo, không thực!” 

Cám ơn Cha Lê Quốc Thăng. 

Ngày 05/12/2011 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét