Quan chức Hải Phòng và huyện Tiên Lãng đang co cụm lại để đối phó với sự phát nổ của trái bom Đoàn Văn Vươn – hậu quả từ việc quản lý yếu kém, vô pháp luật của chính quyền gây ra.
Trong vụ này, vấn đề quản lý đất đai là nghiêm trọng hơn cả. Ở đây, tôi chỉ nói đến việc phá nhà của anh Vươn.
Giải thích về việc này, chính quyền Tiên Lãng đã tỏ ra quanh co, phát ngôn tiền hậu bất nhất vì lo tìm cách chối tội. Những luận điệu họ đưa ra đầy mâu thuẫn, ngô nghê khó có thể thuyết phục được ai, kể cả những người ít am hiểu pháp luật nhất.
1/ Chuyển từ việc thừa nhận phá nhà đến không biết.
Ngay sau khi ngôi nhà bị phá, trả lời báo Pháp luật & Xã hội, ông Lê Văn Hiền, chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã khẳng định “ngôi nhà được lực lượng chức năng của huyện này san phẳng với lý do ngôi nhà là nơi các đối tượng đã nổ súng vào lực lượng cưỡng chế”
Bị công luận cự lại, thấy không thể vin vào lý do nó là nơi các đối tượng chống trả lực lượng cưỡng chế nên phải phá, ông Đỗ Trung Thoại, Phó chủ tịch HP tìm cách đổ cho dân: nhà anh Vươn do dân bức xúc mà phá.
Lập tức, ông Thoại bị cả báo chí và dân địa phương lên tiếng phản đối.
Đổ tại này tại nọ không xong, các quan chức Tiên Lãng và Hải Phòng buộc rút lại lời mình mà rằng: không biết ai đã phá nhà.
2/ Tìm ra kẻ phá nhà không khó
Việc xác định ai đã phá nhà có khó lắm không? Đến trẻ con cũng biết là không khó. Nó không phải là việc mất con gà hay cái xe đạp. Nó hiện hữu lù lù, sừng sững, việc san phẳng nó không phải lén lút trong chớp nhoáng rồi bỏ chạy mà xong.
Cũng theo báo “Pháp luật & Xã hội”, sáng 1-2, anh Nguyễn Văn N, trú tại xóm Chùa, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng thông tin tới các phóng viên: “Khoảng 7 giờ 30 ngày 6-1, từ trên đê, một chiếc máy xúc được đưa vào khu vực nhà anh Quý để phá nhà. Đến khoảng 9 giờ cùng ngày, ngôi nhà hai tầng rộng khoảng 50m2 bị san phẳng. Khi chiếc máy xúc tiến vào khu vực nhà anh Quý có cả lực lượng CA, dân quân … Sau khi phá xong ngôi nhà, chiếc máy xúc được đưa về khu vực đầm nuôi trồng thủy sản của một chủ đầm tên K”. Anh N cho biết thêm, thời điểm chiếc máy xúc cùng lực lượng chức năng tiến vào phá ngôi nhà hai tầng, hàng trăm người dân xóm Chùa đứng trên đê đã chứng kiến sự việc.
Theo một nguồn tin tin cậy của tôi thì ông K chính là ông Vũ Văn Kết, chủ của chiếc máy xúc đã phá nhà anh Vươn, một chủ đầm có thế lực và quan hệ rất mật thiết với chính quyền Tiên Lãng.
Không thể nói một kẻ nào đó tự động mang máy đến phá nhà anh Vươn được. Nó phải được lệnh của quan chức chính quyền, không bằng văn bản thì cũng bằng lệnh miệng. Tôi khẳng định, dân không có ai dám tự ý làm điều ấy, kể cả căm ghét anh Vươn đến mấy đi chăng nữa.
Giả sử cuối cùng, lực lượng công an Hải Phòng và huyện Tiên Lãng không tìm ra được kẻ phá nhà anh Vươn thì không biết nhân dân nuôi dưỡng họ để làm gì? Chính quyền có lý do để tồn tại không?
Như vậy, trước sau, kẻ ra lệnh và thực hiện phá nhà anh Vươn buộc chính quyền Tiên Lãng phải công khai (tôi nói phải “công khai” chứ không nói là “tìm ra” vì ai ra lệnh, ai phá, họ đã nắm được cả rồi, có điều đang loanh quanh che đậy, câu giờ để bàn nhau giải quyết thế nào cho êm xuôi mà thôi)
3/ Trước sau cũng phải phá?
Và họ đang tìm mọi cách giảm tội cho kẻ phá nhà: Trước hết, quan chức chính quyền địa phương cho rằng, vì ngôi nhà ấy xây trái phép nên trước sau cũng phải phá. Nghĩa là may mà có thằng nó phá hộ, chính quyền khỏi nhọc công, tốn tiền cưỡng chế, biết đâu lại bị ăn đạn hoa cải lần nữa.
Xin hỏi các ông:
- Ngôi nhà anh Vươn, nhìn trên ảnh như thế thì chắc xây đã từ lâu. Vậy tại sao khi anh Vươn xây các ông không có ý kiến gì?
- Nếu nhà anh Vươn trước sau cũng phải phá thì các ông có làm được việc rà soát lại tất cả những ngôi nhà nào trong diện phải xin phép mà không xin phép để phá tất cả đi hay không? Nếu các ông quyết tâm làm và làm được thì tôi cho rằng không dưới 50% nhà ở huyện Tiên Lãng và của thành phố Hải Phòng trong khu vực đô thị bị san phẳng.
Nhân đây, xin nói qua về tình trạng xây nhà và giấy phép. Việc xin phép làm nhà theo qui định, đến nay vẫn chưa thành thói quen – điều cần phải có của một chế độ pháp quyền, bắt đầu cách đây chưa lâu. Tôi còn nhớ vào khoảng thời gian 5,7 năm trước đây, có quận ở Hà Nội cả năm chỉ cấp được 2 giấy phép, trong khi nhà vẫn mọc lên hàng ngày. Ngay nhà tôi xây vào cuối năm 2007, nghĩa là mới hơn 4 năm thôi, còn là ngôi nhà đầu tiên ở cụm dân cư tôi làm có phép. Trước đó, người ta xây vẫn cứ xây, chỉ cần báo chính quyền địa phương “thông cảm” lờ đi cho là được. Cùng lắm thì phạt hành chính cho tồn tại. Không biết ở Hải Phòng thực hiện qui định đó như thế nào. Nhưng giả sử Hải Phòng có làm nghiêm hơn Hà Nội thì chắc cũng không hơn là bao.
4/ Đánh tráo khái niệm, chuyển cách gọi từ “nhà” sang “lều”
Chính quyền Tiên Lãng và Hải Phòng còn nảy ra một “sáng kiến” nữa, đánh tráo khái niệm, gọi ngôi nhà hai tầng của anh Vươn là lều. Không biết “sáng kiến” này do ai phát minh ra. Chỉ biết rằng quan lớn quan bé ở đây đều đồng loạt chuyển cách gọi nơi ở của anh Vươn từ nhà sang lều.
Trong một cuộc giao ban, ông Thoại phó chủ tịch Hải Phòng gọi nó là “1 gian nhà nhỏ”.
Ông Ngô Ngọc Khánh – Chánh văn phòng UBND huyện Tiên Lãng gọi nó là “túp lều tạm”.
Ông Vũ Hồng Chuân, trưởng ban tuyên giáo huyện ủy Tiên Lãng, trong khi nói chuyện với 300 đảng viên của thị trấn Tiên Lãng vào sáng ngày 03/02/2012 cũng gọi ngôi nhà 2 tầng của anh Vươn là “lều coi”.
Ông Đỗ Hữu Ca, giám đốc Công an Tp Phòng thì kèm theo cả mớ lý luận hết sức quái đản: “Nếu coi căn nhà đã bị phá của ông Quý là nhà ở thì việc xây dựng căn nhà này là trái phép. Ông Ca cũng khẳng định đây cũng không được gọi là nhà vì khu đất đó không được phép xây dựng nhà ở. Nếu xây dựng nhà ở thì tức là xây dựng trái phép. Căn cứ vào chức năng của công trình đó mà gọi là “chòi trông cá” (Báo Giáo dục Việt Nam).
Ngoài quan chức Tiên Lãng và HP, có ai gọi đây là 1 gian nhà nhỏ, túp lều tạm hay lều coi không? – Ảnh T.K. (Tiền phong onlline)
Như vậy, cứ theo ông Ca thì một công trình không được phép xây dựng, nếu gọi là nhà thì nó được xây dựng trái phép, còn gọi là lều thì nó lại hợp pháp? Chẳng lẽ, xây một cái nhà 5 tầng, có ai hỏi thì cứ bảo là tôi chỉ làm lều là được chăng?
Như thế, chẳng hóa ra, tính chất một ngôi nhà không phải là ở qui mô của nó mà là ở chỗ nó được làm nên có được phép hay không?
Từ chỗ nói ngôi nhà trước sau cũng phải phá rồi chuyển cách gọi từ nhà sang lều của quan chức Tiên Lãng và Hải Phòng hẳn là những bước chuẩn bị chạy tội cho kẻ nào đó mà họ buộc phải khai ra: Thằng này chỉ phá công trình làm bất hợp pháp, thằng này phạm tội phá lều chứ không phải phá nhà.
Đúng là đường đi hay tối, nói dối hay cùng.
04/02/2012
TƯỜNG THỤY
Nguồn: Blog Nguyễn Tường Thụy.
Cướp đêm là cộng sản, cướp ngày là công an !
Trả lờiXóa