Trang

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2012

QUẦN CHÚNG/ĐẢNG VIÊN

PHẠM XUÂN NGUYÊN
Vụ Tiên Lãng có một nguyên nhân ở tiếng Việt.
Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hải Phòng Đỗ Trung Thoại giải thích việc ngôi nhà anh Đoàn Văn Vươn nằm ngoài khu vực cưỡng chế nhưng bị phá hủy hoàn toàn là do tại quần chúng nhân dân bức xúc. Một đảng viên, một lãnh đạo đảng và chính quyền của một thành phố trực thuộc trung ương đã thản nhiên “đổ tội” cho nhân dân trong một vụ cưỡng chế đất đai gây phản ứng mạnh nhất từ trước đến nay. Câu nói đó đã xúc phạm mạnh mẽ đến nhân dân và đã bị dư luận kịch liệt phản đối.

Nhưng tự bao giờ đã có sự phân biệt quần chúng và đảng viên như là một sự đối lập thấp/cao, lạc hậu/tiên tiến, bị lãnh đạo/lãnh đạo?
Đây là một lỗi thời nay của tiếng Việt.
Hơn ba mươi năm trước, trong một bài viết về giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt, thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu một số thí dụ dùng sai từ ngữ, cách nói, đưa đến làm hỏng tiếng Việt. Trong đó có thí dụ sau đây:
 Về các từ “đảng viên” và “quần chúng”
Trước đây khá thông thường bây giờ có ít hơn nhưng vẫn còn nhiều người nói và viết như sau: A là đảng viên; còn B, C, Đ là quần chúng, ý muốn nói rằng người nào không phải đảng viên thì là quần chúng. Tuy nhiên nói như thế có nghĩa là coi quần chúng là dưới đảng viên, hạ thấp vị trí chính trị, ý nghĩa và tác dụng của quần chúng là đông người, nói một người là quần chúng thì không đúng. Phải nói: A là đảng viên; còn B, C, Đ là người ngoài Đảng.
 Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã thực hiện một thao tác khoa học để chỉ ra cái sai của cách nói phân biệt ngụ ý trên dưới này. Sự phân biệt ở đây lẽ ra chỉ là trong và ngoài hệ thống/tổ chức: ở trong đảng thì nói là người của đảng, là đảng viên; ở ngoài đảng thì nói là người ngoài đảng, là không phải đảng viên. Nghĩa là một sự phân biệt có tính chất tổ chức – trong/ngoài – chứ không hàm ý đánh giá gì cả, vì vào đảng hay không vào đảng là sự lựa chọn của mỗi người. Nhưng rồi có lẽ xuất phát từ trong đảng lan ra xã hội, cách nói đảng viên/quần chúng đã lưu hành, đã mặc nhiên dùng, với cái nghĩa sai như nhà văn hóa Phạm Văn Đồng đã chỉ ra. Mà cách dùng từ sai như thế là chung cho cả hệ thống: đảng viên cao hơn quần chúng, thì đoàn viên cao hơn thanh niên, nghĩa là từ một sự phân biệt thuần logich đã biến thành một sự phân biệt chính trị: ở trong tổ chức là tiến bộ, ở ngoài tổ chức là lạc hậu. Một cái sai mà mặc dầu đã được báo động và cảnh tỉnh từ một nhà chính trị và một nhà văn hóa nổi tiếng vẫn không được khắc phục, để đến bây giờ nó dẫn tới… vụ Đoàn Văn Vươn.
Tôi không nói quá. Vì ngôn ngữ gắn liền với tư duy. Mỗi cách nói, cách sử dụng từ ngữ đều là phản ánh của một ý thức, một quá trình nhận thức. Cách nói đảng viên/quần chúng với nội hàm ý nghĩa sai như ông Đồng chỉ ra đã ăn thành nếp trong tư duy của đảng và đảng viên đến mức không còn thấy là sai mà cho là hiển nhiên đúng. Cho nên nhân dân đã có câu đùa chua chát: đảng có khai trừ đảng viên của mình thì không được đẩy vào quần chúng, để quần chúng được trong sạch!
Phát ngôn đổ tội phá nhà anh Đoàn Văn Vươn cho nhân dân xã Vinh Quang của ông phó chủ tịch Hải Phòng chỉ là sự vận hành của một cơ chế phá hỏng tiếng Việt lâu nay mà thôi.
Như vậy, lỗi ở đây là lỗi tiếng Việt.
Tác giả gửi QC
Nhưng tiếng Việt là của người Việt dùng.
Như vậy, một bộ phận dùng tiếng Việt đã tư duy sai dẫn đến dùng sai tiếng Việt dẫn đến tiếng Việt bị hỏng dẫn đến hậu quả nghiêm trọng.
Tôi đề nghị: cùng với việc kỷ luật các cán bộ lãnh đạo sai phạm trong vụ Tiên Lãng, cần phải kiên quyết loại bỏ cách nói phân biệt sai đảng viên/quần chúng, mà thực hành cách nói phân biệt đúng như thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nêu đảng viên/người ngoài đảng. Trước hết điều này phải được thực hiện trong các văn kiện văn bản của Đảng, trên các báo chí, tại các cuộc họp. Vì nhân dân thì ta sẽ bỏ được từ quần chúng ở cách nói sai. Giống như nhằm tập hợp được người Việt Nam ở các nước trên thế giới mà ta đã thay được từ “Việt kiều” bằng cụm từ “người Việt Nam ở nước ngoài”.
Vụ Đoàn Văn Vươn, nhìn ở góc độ này, đã đồng vọng với đề nghị nghĩ đúng và nói đúng về nhân dân của thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây.
 Hà Nội 3.2.2012
Tác giả gửi Quê choa

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét