Đánh giá quá trình cấp đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng, Đại tá Đỗ Hữu Ca, Giám đốc CATP Hải Phòng cho rằng: Cũng có cái sai, trong đó một phần là có sự dễ dãi và cả nể!
Chiều 5/2, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Minh Võ, 60 tuổi, đảng viên, bộ đội phục viên (trú xóm Chùa Trên, xã Vinh Quang) khẳng định, chiều 5/1, lực lượng cưỡng chế đã đốt căn nhà phụ của ông Đoàn Văn Quý (em ông Đoàn Văn Vươn) và căn nhà của ông Đoàn Văn Vươn.
Trao đổi với VTC News ngày hôm qua (5/2) về việc ngôi nhà của ông Đoàn Văn Quý không nằm trong diện tích cưỡng chế song đã bị đoàn cưỡng chế phá hủy, Đại tá Đỗ Hữu Ca - Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng cho biết, sau khi hoàn thành nhiệm vụ, lực lượng cưỡng chế đã bàn giao lại ngôi nhà cho chính quyền địa phương.
Khi lực lượng cưỡng chế rút khỏi thì ngôi nhà vẫn còn. Tuy nhiên, sau đó, ngôi nhà 2 tầng này đã bị một chiếc máy cẩu vào đập phá, san phẳng vào sáng ngày hôm sau (6/1).
Ngôi nhà của ông Đoàn Văn Vươn đã bị san bằng sau vụ cưỡng chế. |
"Hiện tại, lãnh đạo Công an thành phố đã giao cho cơ quan CSĐT tổ chức điều tra, xác minh lại việc này. Đặc biệt là điều tra, xác minh rõ động cơ, mục đích gì và ai là người trực tiếp chỉ đạo phá nhà ông Quý. Còn việc tìm ra chủ nhân chiếc máy cẩu này là ai thì không có gì khó", Đại tá Ca nói.
Đối với số thủy sản trên đầm, chuối buồng đang đến ngày thu hoạch, ước tính có giá trị khoảng 1,5 tỉ đồng bị “bốc hơi”, theo Đại tá Ca, cơ quan CSĐT - CATP Hải Phòng đang tiến hành thu thập thông tin, điều tra, xác minh để trả lời trước công luận.
Đánh giá quá trình cấp đất, thu hồi đất, tổ chức cưỡng chế của UBND huyện Tiên Lãng, ông Ca cho rằng, cũng có cái sai, trong đó một phần là có sự dễ dãi và cả nể.
"Sai đến đâu, sai như thế nào thì cần chờ các ngành chức năng và Thủ tướng Chính phủ kết luận trong thời gian tới", Đại tá ca nói.
Liên quan đến vụ việc, trong ngày 5/2, Báo Người lao động đã thu thập được “Biên bản bàn giao toàn bộ mặt bằng hiện trạng đất nuôi trồng thủy sản cưỡng chế thu hồi đối với ông Đoàn Văn Vươn cho UBND xã Vinh Quang quản lý”, phần nào hé mở ai là thủ phạm trong việc hủy hoại tài sản gia đình ông Đoàn Văn Vươn.
Theo đó, biên bản này được lập vào lúc 15h ngày 5/1 (ngay sau khi tiến hành cưỡng chế và thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn) tại khu vực đầm bị thu hồi của ông Vươn. Thành phần bàn giao có đại diện UBND huyện Tiên Lãng.
Nội dung biên bản bàn giao khẳng định: “Ban Chỉ đạo cưỡng chế của huyện đã thực hiện xong nhiệm vụ tổ chức cưỡng chế, thu hồi đất của UBND huyện Tiên Lãng đối với đất đã hết hạn sử dụng của ông Đoàn Văn Vươn. Diện tích bàn giao là 19,3 ha… Hai bên nhất trí giao và nhận đủ toàn bộ mặt bằng hiện trạng đất do UBND huyện bàn giao. UBND xã Vinh Quang có trách nhiệm xây dựng kế hoạch quản lý, sử dụng mặt bằng diện tích theo đúng nội dung Thông báo số 213 của UBND huyện Tiên Lãng về việc bàn giao diện tích đất nuôi trồng thủy sản sau khi cưỡng chế cho UBND xã Vinh Quang quản lý”.
Như vậy, theo biên bản này, ngay sau khi cưỡng chế và thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, diện tích 19,3 ha đất (nơi có nhà của ông Đoàn Văn Vươn) đã thuộc phạm vi quản lý của chính quyền xã Vinh Quang từ chiều 5/1. Vì thế, việc người dân vào phá nhà ông Vươn như một số lãnh đạo TP Hải Phòng tuyên bố là điều khó xảy ra.
Mặt khác, sau vụ cưỡng chế nhiều ngày, người dân và các nhà báo cũng không thể vào được khu vực đầm của gia đình ông Đoàn Văn Vươn do bị công an xã và những người “lạ mặt” cản trở.
Vợ con Đoàn Văn Vươn, Đoàn Văn Quý “đón tết” tại căn lều bạt dựng trên nền đất cũ ngoài đầm. |
Tiếp đó, đến sáng 6/1, 7 công an xã trong đó có ông Đoàn “mắt nai” và 3 người mặc thường phục cùng máy xúc đến ủi nhà ông Quý.
“Lúc đó, tôi thấy ông Phạm Đăng Hoan - Bí thư Đảng ủy xã Vinh Quang và ông Lê Thanh Liêm - Chủ tịch UBND xã Vinh Quang (em ông Lê Văn Hiền – Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng) đi hai xe máy đến tận căn nhà và chứng kiến việc san phẳng căn nhà. Khoảng 2 giờ sau, khi căn nhà bị ủi xong, ông Hoan và ông Liêm đi xe máy về trước, những người còn lại về sau. Đứng gần tôi còn có 7 người khác ở phía bên kia đầm. Trong khi đó, phía bờ đê cũng có hàng trăm người chứng kiến”, ông Võ kể.
Chưa hết, ông Võ bày tỏ: “Tôi và nhiều người dân ở đây rất bất ngờ và bức xúc khi thấy lãnh đạo TP lại phát biểu trên báo chí đổ vạ cho người dân: "bức xúc vào phá nhà ông Vươn". Trong khi vào ngày cưỡng chế, đài phát thanh của xã thông báo, tất cả người dân không được phép ra khu vực đầm vì ở đó vẫn còn bom mìn. Chúng tôi đã có đơn kiến nghị lên cấp trên về sự vu cáo này”.
Khăng khăng huyện đúng!
Trước cuộc họp với Thủ tướng để giải quyết vụ việc, trên cổng thông tin điện tử của UBND huyện Tiên Lãng đã đăng bài viết để nói về sự việc này.
Theo đó, giải thích về quyết định thu hồi đất của gia đình ông Đoàn Văn Vươn, UBND huyện cho biết, huyện căn cứ Nghị định 30 ngày 23/3/1989 hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 1987 quy định: Người được giao đất có mặt nước để quai đê lấn biển, nuôi trồng thuỷ sản thì thời gian đưa đất vào sử dụng được kéo dài thêm 6 tháng so với quy định tại khoản 5 Điều 14 Luật đất đai. Huyện đã để dài thêm đến 18 tháng kể từ khi đến hạn phải giao trả nhưng ông Đoàn Văn Vươn không bàn giao mà tiếp tục sử dụng 40,3 ha mà trong gần 4 năm qua không nộp bất cứ khoản nào cho Nhà nước. Đến nay, ông Đoàn Văn Vươn không chịu nộp số tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp là 10.035.000 đồng.
Khi hết hạn giao đất, UBND huyện Tiên Lãng yêu cầu ông Đoàn Văn Vươn giao trả lại để thực hiện cho thuê theo Luật đất đai năm 2003. Việc thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn căn cứ vào quy định Luật đất đai năm 2003, Nghị định 181/2004/NĐ-CP giao cho UBND xã Vinh Quang quản lý quỹ đất này để cho thuê theo quy định.
Ông Đoàn Văn Vươn không chấp hành việc thu hồi đất giao đã hết thời hạn, khởi kiện ra TAND về quyết định thu hồi của UBND huyện. TAND cấp sơ thẩm đã xét xử, bác đơn khởi kiện của ông Vươn. Sau đó, ông Vươn kháng cáo lên Toà án nhân dân Thành phố Hải Phòng, tòa đã quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm. Ông Vươn xin rút toàn bộ yêu cầu kháng cáo, TAND thành phố quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm và tuyên bản án của TAND huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật.
Căn cứ vào phán quyết đó, UBND huyện Tiên Lãng đã nhiều lần làm việc với ông Vươn để bàn việc cho thuê đất nhưng ông Vươn kiên quyết đòi phải được giao lại đất. Để đảm bảo kỷ cương, thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về đất đai, sau khi báo cáo các cơ quan có thẩm quyền thành phố, sau nhiều lần đối thoại (8 lần thông báo và làm việc trực tiếp), UBND huyện Tiên Lãng đã tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đã giao cho ông Đoàn Văn Vươn.
Giải thích lý do thu hồi đất không bồi thường, UBND huyện Tiên Lãng dẫn Điều 43 Luật đất đai năm 2003 không bồi thường về đất; Điều 43 Luật Đất đai năm 2003 không bồi thường về tài sản gắn liền với đất và Quyết định số 447 ngày 04/10/1993 của UBND huyện Tiên Lãng: Khi hết thời hạn giao đất, chủ sử dụng đất phải bàn giao lại toàn bộ mặt bằng và các công trình phục vụ sản xuất, kiến trúc xây dựng trong phạm vi đất được giao. Nhà nước (UBND huyện) không tính toán giá trị tài sản còn lại cho chủ sử dụng đất
Dự kiến từ ngày hôm nay đến 10/2, Thủ tướng Chính phủ sẽ chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các bộ ngành có liên quan và UBND TP Hải Phòng để làm rõ đúng, sai trong vụ cưỡng chế được đánh giá là tồi tệ nhất trong lịch sử huyện Tiên Lãng từ trước đến nay.
Phan Mạnh - Minh Khang/VTC
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét